EITI và khả năng tham gia của Việt Nam

ThienNhien.Net – Gần một thập niên sau ngày được công bố, Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI) vẫn giữ nguyên những giá trị vốn có, thậm chí ngày càng được củng cố, bổ sung cho hoàn thiện. EITI là khái niệm được đặc biệt nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, không chỉ vì những ích lợi thiết thực mà công cụ này đem lại mà còn bởi EITI chính là xu hướng và động lực quan trọng của sự phát triển bền vững mà bất cứ quốc gia nào cũng mong muốn duy trì. Việt Nam cũng không nằm ngoài số đó, bằng chứng là chúng ta đã và đang nhận được rất nhiều sự hưởng ứng từ các bên liên quan trong quá trình vận động tham gia EITI. Tuy nhiên, điều cần kíp hiện nay là việc xây dựng lộ trình tham gia EITI tại Việt Nam nhằm vừa bảo vệ lợi ích quốc gia, vừa đảm bảo nguồn lực bền vững cho sự phát triển lâu dài.

EITI thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu về minh bạch trong khoai thác mỏ, dầu và khí tự nhiên (Ảnh minh họa: pvn.vn)

Sự cần thiết tham gia EITI

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia giàu tài nguyên với hơn 60 loại khoáng sản phân bố tại hơn 5.000 mỏ, điểm quặng khắp cả nước, trong đó, một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn tầm cỡ thế giới như bauxit, titan, đất hiếm và đá vôi… Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản Việt Nam hình thành từ khá lâu và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đóng góp cho nguồn thu ngân sách và sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, ngành cũng đang phải đối mặt với những vấn đề và thách thức liên quan đến nền quản trị thiếu bền vững. Điều này được thể hiện ở bốn điểm sau:

Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) mang đến hi vọng nâng cao hiệu quả quản trị công, tăng nguồn thu ngân sách và đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên phục vụ lợi ích cộng đồng và phát triển bền vững quốc gia thông qua cơ chế minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình và đối thoại đa phương.

Thứ nhất, quyết định phân cấp phê duyệt khai thác khoảng sản tới các địa phương từ năm 2005 đã và đang hình thành cơ chế “xin-cho” trong ngành khai khoáng. Một số lượng lớn giấy phép khai thác khoáng sản đã được thông qua nhanh chóng đi kèm với tình trạng hỗn loạn và thiếu điều kiện giám sát hoạt động ở cấp tỉnh.

Thứ hai, tình trạng truy thu và nộp thuế tài nguyên cũng không được tuân thủ nghiêm ngặt. Theo ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư Vấn Phát triển (CODE), việc đóng thuế tài nguyên của doanh nghiệp khai thác cho nhà nước vẫn hoàn toàn dựa trên khai báo của doanh nghiệp. Do vậy, có những doanh nghiệp khai thác 10 phần thì chỉ khai báo và đóng thuế cho nhà nước 5 phần. Vì thế, đôi khi lợi ích từ các nguồn tài nguyên lại rơi vào tay một số nhóm lợi ích thay vì cộng đồng.

Thứ ba, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra phổ biến tại rất nhiều địa phương, gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản và làm thất thu ngân sách quốc gia.

Thứ tư, tuy là một trong những ngành gây tác động và hủy hoại môi trường – xã hội nặng nề nhất nhưng việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường – xã hội cũng như hoạt động phục hồi sau khai thác chưa được thực hiện đầy đủ trong ngành công nghiệp khai khoáng.

Với những bất cập nêu trên, Việt Nam cần thúc đẩy quá trình minh bạch và trách nhiệm giải trình trong ngành công nghiệp khai khoáng thông qua việc tham gia EITI nhằm tối đa hóa lợi ích từ tài nguyên thiên nhiên, đồng thời đẩy mạnh hiệu quả quản trị nguồn tài nguyên quý giá này.

Thuận lợi và thách thức

Theo Hiến pháp năm 1992, tài nguyên thiên nhiên thuộc về nhân dân và các khoản thu từ khai thác tài nguyên cần được sử dụng cho phát triển đất nước. Quy định này rất phù hợp với những nguyên tắc của EITI, nhấn mạnh rằng tài nguyên thiên nhiên của mỗi quốc gia phải mang lại lợi ích kinh tế – xã hội lớn nhất cho cộng đồng, và điều đó phải dựa trên nền quản trị tài nguyên minh bạch, có trách nhiệm giải trình và công khai thông tin. Đây sẽ là thuận lợi cơ bản cho quá trình thực hiện EITI tại Việt Nam.

Cơ sở cho việc thực hiện Sáng kiến này cũng được thể hiện thông qua các quy định chung liên quan đến minh bạch và công khai thông tin như: Pháp lệnh Phí và lệ phí năm 2001, Luật Ngân sách nhà nước 2002, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005, Luật cCứng khoán 2006, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008…

Đặc biệt, quá trình vận động tham gia EITI tại Việt Nam đã và đang nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều các bên liên quan. Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Viện Tư vấn Phát triển (CODE), trong số những người thuộc các cơ quan nhà nước có liên quan như Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT, Bộ KH&ĐT, Ủy ban phòng chống tham những quốc gia… cũng như 16 công ty khai thác khoáng sản được phỏng vấn, có đến gần 67% ủng hộ việc Việt Nam nên tham gia EITI.

Về phía xã hội dân sự và các tổ chức quốc tế khác, từ năm 2006, Ngân hàng Thế giới và Đại sứ quán Na Uy đã đề cập vấn đề này trong các Chiến lược hợp tác phát triển với Việt Nam. Các tổ chức xã hội dân sự và báo chí truyền thông trong hai năm trở lại đây cũng thông tin rất nhiều về EITI bao gồm những lợi ích, khó khăn, cơ hội và triển vọng thực hiện ở Việt Nam.

Bên cạnh những thuận lợi kể trên, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn trong lộ trình tiến tới thực hiện EITI, trước tiên là những trở ngại về thể chế và thực thi pháp luật. Trên thực tế, các quy định chung về minh bạch, công khai thông tin và phòng chống tham nhũng ở Việt Nam đã được đề cập đến trong nhiều văn bản, nhưng riêng trong lĩnh vực khai khoáng vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn đặc thù. Hơn thế nữa, rất nhiều ý kiến cho rằng, giữa luật pháp và việc thực thi luật pháp ở Việt Nam vẫn còn là một khoảng cách lớn do việc triển khai, giám sát pháp luật và chế tài xử phạt còn chậm trễ, lỏng lẻo và nhiều hạn chế. Vì vậy, dù đã có những quy định chung về tính minh bạch nhưng hiệu quả của các hoạt động này vẫn rất thấp.

Cùng với đó là những trở ngại xuất phát từ vấn đề tranh chấp lãnh hải ở một số khu vực khai thác dầu mỏ ở khu vực Biển Đông. Trong một số trường hợp, thông tin về dầu khí vẫn là một trong những bí mật quốc gia không được công bố nên việc thúc đẩy minh bạch trong bối cảnh Việt Nam có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, việc thực thi EITI sẽ động chạm đến nhiều nhóm lợi ích, nhất là trong bối cảnh nạn tham nhũng còn phổ biến như hiện nay nên việc thực thi EITI cũng khó đạt kết quả nếu không có những cam kết chính trị mạnh mẽ.

Ngoài ra, trở ngại về tài chính và nguồn lực cũng là yếu tố đáng lo ngại bởi EITI vẫn còn là một vấn đề khá mới ở Việt Nam nên nguồn tài chính và nguồn lực để thực hiện sáng kiến này không thực sự nhiều.

Kiến nghị lộ trình tham gia EITI

Theo đề xuất trong Báo cáo “Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng – EITI và khả năng tham gia của Việt Nam” do VCCI và CODE thực hiện, việc thúc đẩy công khai thông tin và minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác của Việt Nam là điều cần thiết. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh hiện tại với nhiều thách thức về mặt thể chế và mức độ phát triển thì việc tham gia EITI của Việt Nam cần được đặt trong một giai đoạn dài hơi và tiếp cận từng bước.

Nghiên cứu này cho rằng trong giai đoạn đầu thì phạm vi chương trình EITI chỉ nên tập trung ở một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn có đóng góp đáng kể tới nguồn thu của nhà nước như dầu khí, than, quặng sắt, titan, đất hiếm… Hơn nữa, các khoáng sản này chỉ phân bố tập trung ở một số tỉnh, vùng nhất định chẳng hạn trên 90% sản lượng than của cả nước tập trung ở tỉnh Quảng Ninh, do đó việc thực thi EITI sẽ có nhiều thuận lợi.

Trong thời gian đầu, chương trình EITI cũng chưa nên yêu cầu thực hiện báo cáo EITI đối với tất cả các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở Việt Nam bởi số lượng doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở Việt Nam rất nhiều. Thay vào đó nên tập trung ban đầu vào các doanh nghiệp nhà nước lớn và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Qua điều tra, nhiều doanh nghiệp trong số này cho biết sẽ sẵn sàng tham gia thực thi sáng kiến EITI.

EITI là một sáng kiến mở, trong đó mỗi quốc gia có thể tự xây dựng phạm vi chương trình và lộ trình tham gia của mình sao cho phù hợp với điều kiện của mỗi nước. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, rõ ràng việc thúc đẩy công khai thông tin và minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác cần phải xác định rõ những lợi ích cũng như rủi ro khi tham gia EITI, lựa chọn mô hình EITI sẽ thực hiện và tích cực vận động sự tham gia có ý nghĩa của các bên liên quan.