Cái chết của những dòng sông

ThienNhien.Net – Tạo hóa sinh ra núi đồi, đồng bằng, ao hồ và biển cả. Và tạo hóa vẽ ra những dòng sông để nối muôn nẻo nhân gian với nhau. Sông chở nước, chở phù sa, chở những nguồn sống để nuôi nấng cuộc sống đôi bờ. Những dòng chảy của sự sống đó làm sao có thể chết?

Khi con người chưa sinh sôi đầy mặt đất, sông tự tìm lấy đường đi, lớn lên và tiến ra biển cả. Những dòng sông lớn, những dòng sông nhỏ đan xen, chằng chịt, tạo nên những nét duyên cho từng vùng đất. Đất nước hình chữ S được dệt thêu bởi hơn 2 300 con sông – tạo nên sự đa dạng cảnh sắc, con người và văn hóa độc đáo. Những dòng sông đã giúp tạo nên nền văn minh Việt, văn hóa và tâm hồn người Việt.

Sông cũng như cuộc đời của một con người – có lúc hiền hòa trầm lắng, có lúc gầm gào, dữ dội. Ngay cả khi mặt nước trong veo lặng lờ trôi, vẫn có những dòng xoáy chuyển động ngầm dưới đó. Sông mượt mà, hiền dịu mà mạnh mẽ như người con gái tuổi đôi mươi. Những dòng sông cần mẫn, mải miết chảy, nối những miền đất xích lại gần nhau, chở những yêu thương và nhung nhớ giữa đôi bờ. Con sông là cái cớ để trai gái đôi bờ giao duyên, kết tóc. Con sông là một phần góp vào nỗi nhớ quê khi chúng ta lạc bước tha hương.

Có những con sông nhỏ gắn bó với kỷ niệm ấu thơ của biết bao thế hệ. Sông đi vào thi ca, vào những áng văn gợi tình yêu quê hương, đất nước.

Có những con sông đẫm bóng hình lịch sử, lúc ầm ào còn lẫn tiếng gươm khua. Sông nhuộm thắm máu đào thủa còn bóng giặc. Khi đất nước yên bình, sông trở về lặng lẽ nuôi bờ.

Có những con sông hùng vĩ, băng qua núi, qua đồi, qua biên giới nhiều vùng đất. Những hạt phù sa nặng trĩu sông mang về nuôi vùng châu thổ phì nhiêu.

Sông gắn với con người từ khi chúng ta biết kiến tạo văn minh. Ai biết được nền văn minh khởi nguồn từ đó một này trở lại giết chết những dòng sông?

Ai đó nói rằng có hai thứ vô hạn. Đó là vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người. Loài người có lẽ là loài duy nhất tự phá hủy ngôi nhà chung của mình, tự chặt hết những nguồn sống chỉ để thỏa mãn lòng tham và nhu cầu trước mắt.

Sông ngòi – những mạch sống của các hệ sinh thái đang bị đầu độc bởi con người phá hoại rừng đầu nguồn, bởi các nhà máy xả thải ồ ạt trực tiếp ra dòng chảy, bởi bị khai thác cạn kiệt cho tưới tiêu và sinh hoạt, bởi các hồ chứa và đập thủy điện, .. Ngày nay, khó có thể kiếm được một con sông nào giữ được vài nét nguyên vẹn, hoang sơ.

Mấy năm vừa qua, các dòng sông trên mọi miền đất nước oằn mình gánh thêm trọng trách sản xuất năng lượng điện. Hơn 1 000 dự án thủy điện đã được phê duyệt để cắm lên các con sông lớn nhỏ. Hầu như tất cả các dòng sông đều đang và sắp có đập!

Người ta xây đập sản xuất điện bất chấp mọi quy luật vận hành của tự nhiên, các hệ sinh thái, thậm chí cả quy luật kinh tế. Có hệ thống tự nhiên nào có thể thích nghi nổi sự thay đổi một cách toàn diện và nhanh chóng các thành phần của hệ sinh thái như thế?

Những dòng sông chảy qua khu vực đô thị có thể coi như đã chết. Sự dễ dãi đến mức khó tin của các cơ quan bảo vệ môi trường tạo điều kiện cho giới tư bản và cả công ty quốc doanh thoải mái xả thải trực tiếp ra những dòng sông. Họ tiết kiệm được vô vàn tiền của. Chỉ có dòng sông phải chết.

Đô thị hóa mãnh liệt và vô tổ chức khiến việc xử lý rác thải, nước thải vượt khỏi tầm kiểm soát. Thật bất hạnh cho con sông nào phải chảy qua những khu vực đô thị to nhỏ, nhộn nhạo, luôm nhuôm và dơ bẩn có khắp mọi chốn.

Những dòng sông trót “giàu có” mang trong mình nhiều khoáng vật thì khó thoát khỏi bị giầy xéo, tan hoang. Người ta sẵn sàng lật tung cả lòng sông để bới tìm từng hạt quặng!

Cơn động đất khủng khiếp và sóng thần vừa qua ở Nhật Bản hẳn để lại cho nhiều người cảm xúc mạnh mẽ. Con người cho cùng cũng chỉ là một phần của tự nhiên và chịu sự điều chỉnh của những quy luật của tạo hóa.

Những con sông có thể sẽ không bao giờ chết, sẽ tìm cách thích nghi với những thách thức mới mà con người tạo ra trong công cuộc “chinh phục thiên nhiên”. Cũng có thể chúng sẽ phản ứng lại một cách mãnh liệt như đôi lần chúng ta đã thấy!

 Ngày 14/3 năm nay đánh dấu năm thứ 14 thế giới kỷ niệm Ngày quốc tế hành động chống lại đập và vì sông ngòi, nguồn nước, cuộc sống. Sự kiện này được khởi xướng tại Hội nghị quốc tế lần thứ nhất của cộng đồng người bị ảnh hưởng của đập tổ chức tại Curitiba (Braxin) vào năm 1997. Năm 2010, các cá nhân và tổ chức ở 27 quốc gia đã thực hiện 136 hoạt động khác nhau để kỷ niệm ngày này.