VQG Bến En vẫn chưa ngớt “ma rừng”

ThienNhien.Net – Cơn lốc săn gỗ rừng khiến Vườn quốc gia (VQG) Bến En, một trong những vườn quốc gia đẹp nhất Việt Nam thuộc huyện Như Thanh và Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa không thể ngăn nổi bước chân của lâm tặc, dù đã từng bị tàn phá trong rất nhiều năm.

“Ma rừng” ngang nhiên vào Vườn cấm

VQG Bến En được thành lập vào năm 1992 với tổng diện tích tự nhiên khoảng 16.634 hecta, trong đó có 2.400 hecta diện tích mặt nước phục vụ du lịch sinh thái. Vườn là nơi hội tụ nhiều loại động, thực vật quý hiếm, cộng với ưu thế về địa hình đồi núi và cảnh quan tuyệt đẹp nên thu hút khá nhiều du khách.

Tuy nhiên, với diện tích rộng, kéo dài, mặt rừng lại giáp ranh nhiều vùng đất trống nên dễ tạo sơ hở để nhiều đối tượng vào rừng chặt phá. Những đối tượng này chủ yếu là dân bản địa, đa phần bị nghiện ngập, thường vào rừng chặt gỗ bán lấy tiền chích hút. Và một khi những con “ma rừng” này hành động thì cả khu vườn sẽ bị xáo động, công tác giữ rừng cũng vì thế mà gặp nhiều khó khăn hơn.

Theo phản ánh của một số người dân sống xung quanh Vườn, thời gian gần đây, tại khu vực tiểu khu 619 do Trạm kiểm lâm Sông Chàng quản lý (thuộc địa phận xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân) xảy ra nhiều vụ chặt phá rừng ngang nhiên, gây bức xúc trong nhân dân.

Cũng tại khu vực này, trong ngày 28/12/2010, các cán bộ Trạm kiểm lâm Sông Chàng cũng phát hiện rất nhiều gỗ rừng bị đốn hạ. Tổ đã lập biên bản thu giữ 16 cây gỗ đủ loại, từ gội, trám, song đến sụ, màng tang… cùng nhiều vật dụng chuyên “xẻ” gỗ như cưa xẻ, cưa xăng, rìu, dao.

Tại hiện trường, p/v cùng cán bộ kiểm lâm đã ghi lại nhiều vết cưa cắt trên gốc cây và dấu vết các xe trâu, bò vào rừng kéo gỗ. Để đối phó với hành động này, Tổ tuần tra đã dùng ván đóng đinh dải dọc đường rừng nhưng rút cục vẫn bị “ma rừng” phát hiện và dẹp gọn sang một bên.

Vì sao máu rừng vẫn chảy?

Trao đổi với p/v, ông Lê Xuân Cải – Phó Giám đốc kiêm Hạt trưởng hạt kiểm lâm Vườn cho biết: “Diện tích của Vườn quá rộng nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Khó khăn ở địa hình, khó khăn ở nhân lực. Sự việc xảy ra chủ yếu là vào ban đêm nên việc đi tuần gặp nhiều trở ngại. Trên địa giới của xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, diện tích rừng kéo dài tới 13km dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, cộng thêm vùng đệm của Vườn đã bị khai thác trắng do phần đất của làng thanh niên lập nghiệp nên tạo nhiều sơ hở cho các đối tượng vào rừng chặt phá”.

Cũng theo ông Cải, Ban quản lý VQG Bến En đã báo cáo lên Chi Cục Kiểm Lâm Thanh Hóa tìm phương án truy quét, đồng thời thông báo cho UBND xã Xuân Hòa cùng các đơn vị liên quan đề cao cảnh giác, phát hiện và tố giác tội phạm. Tuy nhiên, việc truy tìm các đối tượng theo ông Cải là rất khó. “Nhiều người dân tuy biết nhưng không dám báo vì sợ bị các đối tượng trả thù bằng cách cắt chân bò, chân trâu, hành hung, phá tài sản” – ông Cải cho biết.

Không chỉ đe dọa dân, các đối tượng còn liều mạng chiến đấu nếu bị phát hiện, thậm chí dùng cả vũ khí nguy hiểm để chống lại. Đó cũng là lí do khiến nhiều năm qua, VQG Bến En chưa thể dẹp yên được nạn phá rừng.

Trong năm 2010, Đội tuần tra Vườn cũng từng bắt giữ nhiều đối tượng, thu nhiều tang vật nhưng không hiểu sao các đối tượng chỉ bị xử lý rất nhẹ, thường phạt hành chính từ 2 – 3 triệu đồng hoặc được hưởng án treo. Chính sự thiếu răn đe trong  hình phạt cũng là một trong những nguyên nhân không nhỏ khiến việc truy quét không đạt hiệu quả như mong muốn, thậm chí mở đường cho nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng hơn.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh hóa cần sớm đưa ra các biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn triệt để nạn “ma rừng”, trả lại sự bình yên cho khu Vườn và cuộc sống của người dân.