Bèo Lục bình sẽ cứu hồ Gươm

ThienNhien.Net – Cuối cùng thì các nhà chức trách đã đưa ra giải pháp để bảo vệ rùa hồ Gươm. Một trong những “hạng mục” sẽ thực hiện là xử lý ô nhiễm nước hồ Gươm mặc dù biện pháp cụ thể chưa được công bố. Với những hiểu biết của mình về chuyên ngành Khoa học Môi trường Tích hợp, tôi xin đề xuất một giải pháp đậm chất nông dân và mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi từ các độc giả, các nhà khoa học quan tâm tới vấn đề này.

Từ chuyện cứu hộ con Giải nghĩ về Cụ Rùa

Cần lập tức pha loãng nước hồ để bảo vệ Cụ Rùa


Chúng ta không nên xem việc xử lý môi trường ở các ao hồ đô thị, trong đó có hồ Gươm, giống như việc xử lý ao hồ nuôi trồng thủy sản. Đối với ao nuôi thủy sản, việc xử lý môi trường là nhằm tạo ưu thế cho một vài loài chủ đạo phát triển mạnh. Còn việc xử lý ao hồ đô thị là nhằm giúp tạo nên sự cân bằng sinh thái và cơ bản vẫn giữ nguyên được thành phần các loài sinh vật sống trong đó. Có như vậy mới bảo tồn được “tính đặc hữu” vốn đã gắn liền với lịch sử và tên tuổi của từng ao hồ cụ thể.

Trước khi nói đến hồ Gươm, tôi xin nêu ra 2 bài học còn nóng hổi tính thời sự về việc xử lý ao hồ đô thị ở Việt Nam.

Vào đầu năm 2009, hồ Thạc Gián (Đà Nẵng) cũng có hiện tượng nở hoa nước do vi khuẩn lam và ô nhiễm giống như hồ Gươm hiện nay. Sau khi được cải tạo và sử dụng bèo Lục bình để “điều hòa”, các nhà chức trách thì hài lòng, còn người dân thì vui vẻ ngồi uống nước bên bờ hồ.

Một ví dụ trái ngược là hồ Xuân Hương nổi tiếng của Đà Lạt. Sau những chương trình đồ sộ được triển khai để cải tạo lòng hồ, hiện nay hồ Xuân Hương đang “chết” vì sự phát triển quá mạnh mẽ của vi khuẩn lam. Nguyên nhân chính là bằng các biện pháp cải tạo lòng hồ, con người đã tận diệt các loài động vật nguyên sinh có khả năng tiêu thụ vi khuẩn lam. Cơ sở khoa học của vấn đề này đã được trình bày trong hàng trăm bài báo quốc tế. Đây là một ví dụ điển hình cho khái niệm “hội chứng bể nuôi mới” (new tank syndrome).

Vậy chúng ta nên lựa chọn con đường nào cho hồ Gươm?

Nguyên nhân chính làm hồ Gươm bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay là vì nó rơi vào trạng thái phì dưỡng và tích tụ nhiều ion kim loại nặng.

Việc bố sung thêm nước vào hồ chỉ là giải pháp tạm thời chứ không giải quyết được ô nhiễm. Chưa nói là nếu sử dụng nguồn nước không được kiểm soát, việc bơm thêm nước kèm theo các loài sinh vật khác có thể còn ảnh hưởng đến “tính đặc hữư” của hồ Gươm.

Nếu chúng ta sử dụng công nghệ là các “cỗ máy” lọc nước thì nước hồ Gươm sẽ trở thành “siêu sạch”. Nó trở nên rất nguy hiểm vì sẽ gây ra sự mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng trong lòng hồ Gươm.

Chúng ta có thể sử dụng các chế phẩm vi sinh để phân hủy các chất dinh dưỡng trong nước hồ Gươm nhưng thực chất cũng chỉ là thúc đẩy nhanh chu trình chuyển hóa vật chất trong lòng hồ mà không đưa được chúng ra khỏi hồ. Hiệu quả và tác động của phương pháp này là khó kiểm soát.

Vậy, để giải quyết vấn đề này ta chỉ cần đặt ra mục tiêu là hút bớt chất dinh dưỡng ra ngoài, làm cho nước hồ trở về trạng thái bình thường, không còn bốc mùi khó chịu và các loài sinh vật đã có sẵn trong hồ có thể sống với nhau một cách hài hòa.

Nếu dùng bèo Lục bình (Eichhornia crassipes) hay còn gọi là bèo Nhật Bản, bèo tây để xử lý ô nhiễm nước hồ, tôi tin là sẽ đạt được các tiêu chí trên. Để chứng minh, tôi xin tự trả lời một số câu hỏi sau:

Bèo Lục bình có giải quyết được vấn đề phì dưỡng và nhiễm độc kim loại không?

Hoàn toàn giải quyết được. Bèo Lục bình có khả năng sinh trưởng rất nhanh. Sau 2 tuần là sinh khối đã tăng gấp đôi. Vì vậy nhu cầu sử dụng dinh dưỡng của nó là rất lớn. Nó còn có hệ rễ rất phát triển nên còn có thể hấp phụ được các chất cặn lơ lửng trong nước. Bằng cách này chúng ta đã mang được một lượng lớn các chất trong nước hồ Gươm ra ngoài.

Hiệu quả của phương pháp xử lý ô nhiễm này đã được thực tế chứng minh thành công ở một số nơi, có thể coi hồ Thạc Gián (Đà Nẵng) là một ví dụ.

Bèo Lục bình có ức chế được sự nở hoa nước của các loài vi khuẩn lam độc hay không?

Khi dinh dưỡng trong nước giảm xuống thì sự sinh trưởng của vi khẩn lam gây độc cũng giảm xuống. Hồ Thạc Gián là một ví dụ gần gũi nhất với hồ Gươm. Tôi khẳng định như vậy vì hồ Thạc Gián là một trong những điểm nghiên cứu về vi khuẩn lam mà tôi đã theo dõi hơn 2 năm qua. Tác dụng này của bèo Lục bình tôi còn quan sát thấy ở hồ Hố Mẻ (đối diện Bảo tàng Không quân, Hà Nội) trước khi nó được cải tạo.

Bèo Lục bình có ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái hồ Gươm không?

Không ảnh hưởng xấu vì nó là loài “lành tính”, bèo Lục bình không thể tiêu thụ cạn kiệt chất dinh dưỡng trong hồ, không có khả năng làm giảm pH của nước hồ Gươm xuống dưới ngưỡng 7.0. Thông thường, tùy theo mùa trong năm, pH của nước hồ Gươm dao động khoảng từ 7.0 – 9.0. Do đó bèo Lục bình cũng không gây đột biến về pH. Ngoài ra, độ che phủ của bèo trên mặt hồ được con người kiểm soát nên không ảnh hưởng đến sự quang hợp của các loài thực vật nổi khác.

Bèo Lục bình có gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị không?

Thậm chí còn làm đẹp hơn, phụ thuộc vào cách thức triển khai, sự hiểu biết về vấn đề này của người thực hiện và sự chia sẻ, đồng cảm của những người yêu thiên nhiên hồ Gươm.

Bèo Lục bình có ảnh hưởng đến rùa hồ Gươm không?

So sánh với các biện pháp xử lý khác thì bèo Lục bình là giải pháp an toàn nhất. Rùa hồ Gươm thậm chí còn muốn có ít bèo để “làm bạn” và ẩn nấp.

Sử dụng bèo Lục bình để xử lý nước hồ Gươm cần lưu ý gì?

Đầu tiên, cần sử dụng nguồn bèo sạch. Trong trường hợp này không cần sử dụng đến các quy trình công nghệ cao mà chỉ cần một số thao tác xử lý thông thường. Chúng ta có thể nhân giống nhanh ở quy mô sản xuất thử và sau đó nhân giống trực tiếp trên mặt hồ.

Thứ nữa, không được cho bèo lắng xuống đáy hồ để kiểm soát sự phát triển của chúng sau này. Kỹ thuật này cũng đơn giản. Tôi sẵn sàng trao đổi thêm với những ai quan tâm.

Cuối cùng, cần xây dựng quy trình thu gom và tiêu hủy bèo sau khi xử lý. Hoàn toàn không nên dùng bèo này ủ phân xanh để bón cho rau quả.

Tôi tin tưởng rằng, với điều kiện mùa hè ở miền Bắc, nước hồ Gươm sẽ được cải thiện rõ rệt nếu xử lý bằng cách nuôi bèo Lục bình. Các loài sinh vật sống trong đó cũng không còn cảnh chen chúc nhau như hiện nay.