Làng làm lược

ThienNhien.Net – Làng Vạc(*) nhìn bề ngoài nay cũng đã hiện đại như bao làng quê ven đô khác. Đa phần những ngôi nhà mái ngói cũ nằm hai bên con đường chính dẫn vào làng giờ đã thay tên đổi chủ và được thế chỗ bởi những căn nhà bê tông hai, ba tầng. Nằm giữa làng, ba gian chợ Lược buồn thiu vắng vẻ, chẳng còn người mua kẻ bán những chiếc lược tre tấp nập như xưa.
 
Tôi không biết vì sao làng có tên là Vạc. Có cụ già bảo bởi “các cụ làng tôi xưa kia có tục đánh chắn, ăn đêm, đặc biệt nhà nào có đám thì cả làng kéo nhau đi ăn từ đêm. Cò vạc ăn đêm ấy mà, nên người ta gọi là làng Vạc“. Tôi nghe lý ấy chưa thuyết phục lắm, nhưng cũng chưa tìm hiểu được hơn.
 
Làng Vạc có tên chữ là Hoạch Trạch, nay thuộc xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Làng có nghề làm lược tre (hay còn gọi là lược bí, lược mau) lưu truyền từ cuối thế kỷ 17. Nghe kể lại rằng ông tổ của nghề là Tiến sĩ Nhữ Đình Hiền, xưa giữ chức Thượng Thư Bộ Hình triều đình nhà Lê, sau chuyến đi sứ phương Bắc đã cùng phu nhân đưa nghề làm lược tre về dạy lại cho bà con trong làng.

Sử sách lưu truyền lược làng Vạc nổi tiếng không chỉ trong vùng mà còn lan tới nhiều nơi khác. Làng Vạc cũng chính là cái nôi hình thành nên một trong ba mươi sáu phường nghề ngay tại đất Thăng Long, sau được đặt tên phố là Hàng Lược.

Tôi đến làng Vạc tình cờ, cũng tình cờ lang thang mà biết nơi đây còn giữ được một thứ nghề đang dần biến mất trong cuộc sống hiện tại. Cái nghề giản dị ấy khiến tôi nhớ về hình ảnh mẹ tôi, về bà ngoại tôi ngày xưa. Bà và mẹ đều có mái tóc dài, mỗi khi gội đầu bồ kết với lá bưởi xong đều dùng lược bí để chải tóc, những làn tóc mượt đổ dài xuống tận hông. Những buổi chiều rảnh rỗi, mẹ thường kéo anh em tôi vào lòng bắt chấy. Lược bí soàn soạt bừa đi bừa lại thật kỹ trên đầu, giá có con chấy kềnh nào lăn xuống đất mà dí móng tay thì đã vô cùng…
 
Nghề làm lược xét ra rất có duyên với môi trường. Nguyên liệu hoàn toàn bằng tre, chỉ ngâm, luộc trong nước và phơi, sấy để giữ độ bền lâu chứ không cần dùng hoá chất, phoi tre bỏ đi thì lại vào bếp đun. Vậy là chẳng có gì để mà xả rác, làm bẩn làng xóm.
 
Ấy vậy, làng Vạc giờ chỉ còn khoảng một phần ba số hộ còn giữ nghề, đa phần là những người trung và cao tuổi. Con em họ trưởng thành đều ra thành phố học hành, làm ăn, hoặc đi làm thuê cho các khu công nghiệp xung quanh.
 
Dạo quanh làng, không thấy nhà nào dựa vào nghề phụ làm lược mà phất lên. Chỉ những người già, những bà con phụ thuộc vào việc cày cấy còn theo nghề, một phần bởi muốn giữ lại cái nghề cổ truyền, phần nữa cũng là để kiếm đồng ra đồng vào lúc nông nhàn, rảnh việc, đỡ đần cho con cháu.
 
Làm lược nghe đơn giản nhưng hoá ra lại công phu bởi hoàn toàn thủ công, dựa vào đôi bàn tay chăm chỉ kiên nhẫn của con người. Vào thăm mấy hộ trong làng, tôi chỉ gặp duy nhất một gia đình có cái máy cắt nhỏ, gọi là tí chút “cơ giới hoá”, còn lại bà con vẫn dùng dao để băm, chẻ, vót tre. Có người chặc lưỡi bảo, như thế thì mới gọi là nghề thủ công. Thu nhập chẳng là bao nhưng được cái nghề lược có thể làm quanh năm. Một gia đình đôi ba người cùng tham gia tháng cũng thu được hơn ngót triệu bạc.
 
Nay ngoài chợ có vô vàn loại lược cho các cô, các chị tha hồ chọn. Nào lược tròn, lược thẳng, lược to, lược bé, loại răng thưa, loại răng vừa… phục vụ các kiểu tóc khác nhau. Nhưng khó mà tìm được chiếc lược bí – loại lược được xếp tỉ mỉ bằng những cật tre bào mỏng. Mà khó tìm cũng phải, bởi mấy ai có nhu cầu tìm…
 
Tôi chụp nhanh những hình ảnh này bằng chiếc điện thoại “nồi đồng cối đá”, bởi không biết nay mai có dịp trở lại, làng Vạc có còn làm lược nữa hay không?
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 



*Sau này tôi được biết làng Vạc chính là quê của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận.