Thuốc bảo vệ thực vật: Thêm một lời cảnh báo

ThienNhien.Net – Những tác hại do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV) trong sản xuất nông nghiệp đối với sức khỏe cộng đồng vốn đã được cảnh báo từ lâu, tuy nhiên tình trạng này vẫn ngày càng gia tăng, và hiện đang là một vấn nạn nghiêm trọng khi trên thế giới mỗi năm có khoảng 3 triệu ca nhiễm độc liên quan đến TBVTV với 220.000 ca tử vong, trong đó, 99% trường hợp xảy ra ở các nước đang phát triển. Đáng lo ngại, Việt Nam lại là quốc gia sử dụng phân bón hóa học vào hạng cao nhất trên thế giới.

Những năm gần đây, do diện tích đất canh tác ở nước ta bị thu hẹp, người sản xuất bắt buộc phải thâm canh tăng vụ, thay đổi cơ cấu giống cây trồng…, kéo theo đó là việc tăng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV).

Bên cạnh đó, do khí hậu biến đổi bất thường nên tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp hơn, vì vậy số lượng và chủng loại TBVTV sử dụng cũng tăng lên. Nếu như trước năm 1985, khối lượng TBVTV dùng hàng năm khoảng 6.500 – 9.000 tấn thì từ năm 1991 đến nay lượng thuốc sử dụng biến động từ 25-38 ngàn tấn.

Chính bởi nhu cầu TBVTV tăng nên nhiều loại thuốc clo hữu cơ, chứa thuỷ ngân, arsen, các kim loại nặng, thuốc thuộc nhóm lân hữu cơ có độ độc cao… đã bị cấm hoặc hạn chế sử dụng, nhưng vẫn được nhập lậu và sử dụng khá nhiều.

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), lượng TBVTV nhập vào Việt Nam hiện nay là 77.000 tấn, tổng lượng TBVTV trôi nổi không được phép sử dụng đang lưu trữ trên cả nước là khoảng 150 tấn. Chúng đặc biệt nguy hiểm vì thuộc vào nhóm POP (các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy), có khả năng tồn tại lâu dài trong môi trường, do đó gây ra những nguy cơ đối với môi trường và sức khỏe con người.

Thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong số hơn 1.100 địa điểm bị ô nhiễm hóa chất BVTV thuộc nhóm POP, có tới 289 kho chứa nằm rải rác tại 39 tỉnh trong cả nước, tập trung chủ yếu ở Nghệ An, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Trong số này, có tới 89 điểm đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do tình trạng kho bãi xuống cấp và rò rỉ hóa chất.


Giá đỗ thường bị ủ bằng thuốc bảo vệ thực vật. (Ảnh: Công An Nhân Dân)

Lo ngại hơn, có đến 81,4% số người mua thuốc để ngay trong nhà, 16% để ngoài vườn và 7% để thuốc trong… chuồng lợn. 94% số hộ sử dụng thuốc không có hướng dẫn; chỉ có 20% hiểu biết về tính chất độc hại của thuốc; 70% số người pha chế và sử dụng thuốc không theo hướng dẫn; 50% dùng tay pha chế thuốc… Điều này cho thấy sự thiếu hiểu biết về những tác hại của người sản xuất.

Cùng với đó, các loại bao bì, chai lọ đựng đựng TBVTV không được xử lý đúng cách cũng đang là mối nguy cơ đe dọa nghiêm trọng tới sức khoẻ cộng đồng và gây ô nhiễm môi trường.

Mới đây, kết quả kiểm tra 25 mẫu rau của Cục Bảo vệ Thực vật tại các tỉnh phía Bắc cho thấy có tới 44% mẫu rau có dư lượng TBVTV, trong đó 4% có hoạt chất độc hại vượt quá giới hạn cho phép. Kiểm tra 35 mẫu rau tại các tỉnh phía Nam cũng phát hiện tới 54% mẫu có dư lượng TBVTV, trong đó 8,6% mẫu có hàm lượng cao vượt mức.

Thực tế này đã dẫn đến con số 4.515 người bị nhiễm độc TBVTV với 138 trường hợp tử vong chỉ tính riêng trong năm 2009. Cục Y tế dự phòng cũng chỉ rõ, ngộ độc TBVTV là một trong mười nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại các bệnh viện, chỉ sau cao huyết áp, phổi và tai nạn giao thông.

Từ những con số trên, thiết nghĩ, rất cần có thêm những hồi chuông cảnh báo về vấn nạn nguy hiểm này.