Táo bạo ý tưởng làm nông kiểu mới

ThienNhien.Net – Từng tốt nghiệp đại học ở Harvard và lấy bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh ở Đại học Hawaii, anh Nguyễn Ngọc Hiếu lại chọn Đắk Lắk để thực hiện ý tưởng táo bạo của mình – thành lập “Liên minh sản xuất và tiêu thụ heo rừng”. Ý tưởng mang tính dân sinh cao, đại diện cho phương thức “làm nông nghiệp kiểu mới”, đã được Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) chấp thuận tài trợ.

Theo Tin tức ngày 18/01/2011, năm 2009, anh Hiếu quyết định lên Tây Nguyên thành lập Công ty TNHH NNH để chăn nuôi đại gia súc, tiểu gia súc, gia cầm và động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp, trong đó vật nuôi chính là heo rừng. Và để có kinh nghiệm chăn nuôi heo rừng, Nguyễn Ngọc Hiếu đã sang Thái Lan – vốn là nước đi đầu và rất thành công trong chăn nuôi heo rừng thương phẩm – để học hỏi.

Anh cho biết, thời gian gần đây phong trào nuôi heo rừng phát triển rầm rộ, nhưng nhìn kỹ thì thị trường heo rừng nuôi chất lượng cao đang bị bỏ ngỏ. Hầu hết các hộ dân đều chăn nuôi nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm thấp, người tiêu dùng hay gọi đùa là “heo nuôi cạnh rừng” chứ không phải heo rừng… Vì vậy, anh mới quyết định về Đắk Lắk đầu tư nuôi heo rừng.

Bước đầu, anh đã thử nghiệm thành công hình thức nuôi cho lai tạo giữa giống heo rừng Thái Lan và heo rừng hoang dã Việt Nam. Từ đó, anh tiến hành mở rộng dự án chăn nuôi heo rừng bền vững và Liên minh sản xuất và tiêu thụ heo rừng ra đời.

Liên minh sản xuất heo rừng thực chất là liên kết vững chắc, có trách nhiệm giữa doanh nghiệp và nông dân. Theo đó, doanh nghiệp sẽ cung cấp giống heo rừng đảm bảo chất lượng cho nông dân (được tập hợp thành hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp Trường Xuân); đồng thời hỗ trợ về kỹ thuật nuôi, kết hợp với HTX bao tiêu sản phẩm. Lợi nhuận sẽ được chia theo thỏa thuận.

Trong năm 2010, liên minh này đã xuất bán được gần 1.000 heo giống, hơn 500 heo thương phẩm. Dự kiến năm 2011 sẽ xuất gần 5.000 heo giống và hơn 3.000 heo thương phẩm. 90 hộ nông dân tham gia liên minh đều cho hiệu quả kinh tế cao. Theo kế hoạch, liên minh sẽ mở rộng mô hình chăn nuôi này ra 3 huyện: Ea Kar, M’Đrắk và Krông Pắk.