Ấn Độ đi lên theo con đường riêng

ThienNhien.Net – Phát triển là xu thế tất yếu của lịch sử. Nhưng phát triển bằng cách nào là câu hỏi không dễ trả lời. Tìm được con đường phát triển chính là chìa khóa thành công của mỗi một con người, một quốc gia. Ấn Độ là một trong nhiều quốc gia đã tìm được con đường ấy.

Hơn 60 năm qua, cộng đồng quốc tế liên tiếp đưa ra những mô hình, giả thuyết về tiến trình của sự phát triển nhằm tìm kiếm một bộ công cụ chính sách thực sự hữu ích. Tuy nhiên, cho đến nay, tăng trưởng kinh tế vẫn còn là điều bí mật.

Theo chuyên gia kinh tế Easterly, không có nhiều sự tương quan giữa tăng trưởng kinh tế của một quốc gia với việc theo đuổi các quy định quốc tế của quốc gia đó. Phân tích chuỗi số liệu từ năm 1980 đến 2002, Easterly nhận thấy, so với các nước có nền kinh tế tăng trưởng chậm, các nước tăng trưởng nhanh thường chịu sự giám sát chặt hơn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Điều này không có nghĩa là theo đuổi trường phái chính thống sẽ gây hại cho quá trình phát triển, nhưng nó cũng cho thấy vẫn có thể đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh mà không phụ thuộc nhiều vào nguồn viện trợ hay tư vấn quốc tế.

Sự thật là ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thành công trong tăng trưởng kinh tế không nhất thiết xuất phát từ việc theo đuổi một cách mù quáng những mô hình áp đặt từ bên ngoài mà có thể từ những giải pháp hài hòa, độc đáo của mỗi quốc gia.

Thành tích tăng trưởng của Ấn Độ trong thời gian gần đây cũng có thể được coi là kết quả của quyết tâm đi theo con đường riêng. Quốc gia này đã dần thoát khỏi tình trạng phát triển trì trệ dưới sự trợ giúp của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế, trong đó không ít những chiến lược phát triển của Ấn Độ đã đi ngược với mô hình phổ biến.

Một trong những chính sách đáng lưu ý của Ấn Độ là quốc gia này đã từ chối phương thức tự do hóa thương mại hoặc cho phép đầu tư nước ngoài không hạn chế. Sự từ chối này vốn bị nhiều người phê phán, nhưng lại là nguyên nhân giúp Ấn Độ tránh được những điều tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính gần đây.

Nhà kinh tế học Jessica Wallack, Giám đốc Trung tâm Tài chính phát triển tại Chennai, Ấn Độ cũng cho rằng, Ấn Độ có thể được hưởng lợi nhiều hơn nhờ sự chậm trễ trong việc tư nhân hóa tài sản công (chính sách này, một lần nữa lại đi ngược với mô hình phát triển truyền thống). Jessica Wallack lập luận, với hiện trạng bất bình đẳng xã hội, tham nhũng và năng lực hạn chế của cơ quan nhà nước, quá trình tư nhân hóa ở Ấn Độ với tốc độ nhanh sẽ dễ dẫn đến tình trạng như Liên Xô cũ, kết quả là sự giàu có tập trung phần lớn trong tay một vài người.

Một ví dụ khác có thể kể đến là Đạo luật về đảm bảo việc làm nông thôn của lãnh tụ Mahatma Gandhi. Chương trình này từng làm nản lòng nhiều người ủng hộ việc giải quyết nạn thất nghiệp bằng các biện pháp thị trường, song trên thực tế nó đã giúp giảm đáng kể tỉ lệ đói nghèo ở nhiều vùng nông thôn Ấn Độ.

Mỗi chính sách đều có giá trị riêng của nó. Nhưng điểm nổi bật của chúng chính là tính nhạy bén với thời cuộc, khả năng thích nghi với bối cảnh và điều kiện cụ thể của từng quốc gia, khu vực.