Tràn lan hàng giả các bộ phận động vật hoang dã

ThienNhien.Net – Nhu cầu sử dụng các bộ phận từ động vật hoang dã quý hiếm để làm thuốc chữa bệnh trong một bộ phận người dân là một trong những nguyên nhân khiến nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Và khi động vật tự nhiên không còn thì “công nghệ” làm giả động vật quý hiếm đã xuất hiện.

Báo Đất Việt ngày 4/1/2010 cho biết, xương hổ, cao hổ, sừng tê giác, ngà voi, mật gấu… đều bị làm giả một cách tinh vi, và chỉ được phát hiện khi đem xét nghiệm gene.

TS. Đặng Tất Thế, chuyên gia giám định động vật hoang dã của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho hay, mật gấu giả có thể được làm từ mật trâu bò, hay dùng bọng đái của lợn để bơm mật của loài khác vào cho trông giống mật gấu. Sừng tê giác có thể được làm từ nhựa tổng hợp, sừng trâu, bò và cả từ… tóc người vì sừng tê giác có nguồn gốc từ da và lông. Xương ống trâu bò được ghép, cắt khúc, gọt giũa rồi chắp lại thành ngà voi. Nanh hổ thường có giá trị cao được làm giả từ nhựa, hoặc dùng răng nanh gấu để lừa những người cả tin…

Được biết, trong số những vụ bị cơ quan chức năng bắt giữ, tỉ lệ hổ và các sản phẩm từ hổ bị làm giả chiếm khoảng 20%, ngà voi 5%, sừng tê giác 70%, còn mật gấu thì hầu hết là giả.