Quần thể hổ lớn thứ hai trên thế giới

ThienNhien.Net – Bản đồ phân bố hổ Sumatra có độ phân giải cao nhất từ trước đến nay đã tiết lộ rằng hòn đảo Sumatra hiện tại đang là nơi sở hữu quần thể hổ lớn thứ hai từng được biết đến trên thế giới.

Chỉ 29% môi trường sống của hổ Sumatra được bảo vệ

Theo Chương trình của Hội bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS) Indonesia và Diễn đàn bảo tồn hổ Sumatra – HarimauKita, hai nhà nghiên cứu Hariyo T.Wibisono và Wulan Pusparini đã tiến hành khảo sát trên khắp hòn đảo nhằm xác định tình trạng phân bố của hổ Sumatra.

Cuộc khảo sát cho thấy hổ vẫn chiếm phần lớn môi trường tự nhiên còn lại ở Sumatra. Trong số 144.160km2 môi trường sống còn lại, hổ có mặt trên hơn 97% diện tích (140.226km2). Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 29% môi trường có hổ sinh sống được bảo vệ.

“Nghiên cứu này cho thấy là quần thể hổ Sumatra có thể lớn hơn chúng ta vẫn tưởng và có thể là quần thể hổ lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ”, nhà nghiên cứu Wibisono cho biết.

Hổ Sumatra phân bố rộng khắp các hệ sinh thái

Cuộc khảo sát cũng chứng tỏ rằng hổ Sumatra phân bố trên các hệ sinh thái vô cùng đa dạng. Hổ được xác định đã xuất hiện từ độ cao 0m so với mực nước biển, trong các khu rừng thấp ven biển, cho tới độ cao 3200m trên mực nước biển, trong các khu rừng núi cao, và ở khắp các hệ sinh thái giữa hai độ cao đó.

“Chúng ta cần những đánh giá khoa học sâu hơn về quần thể hổ Sumatra. Và nếu quần thể hổ được kiểm chứng là lớn như kết quả khảo sát mới này thì chúng ta cần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động bảo tồn và sự hỗ trợ từ các chuyên gia về hổ cùng cộng đồng quốc tế nhằm bảo tồn hổ Sumatra”.

Hổ Sumatra cần các Sinh cảnh Bảo tồn mới

Dựa vào kết quả khảo sát, các nhà khoa học khuyến cáo rằng ít nhất phải có 5 môi trường sống của hổ Sumatra cần được nâng cấp thành Sinh cảnh Bảo tồn Hổ.

Một Sinh cảnh Bảo tồn Hổ là môi trường sống phù hợp cho ít nhất 5 cá thể hổ và ở đó hổ được xác định đã hiện diện trong vòng 10 năm trở lại. 

 5 Sinh cảnh Bảo tồn Hổ Sumatra được khuyến cáo:
• Hệ sinh thái Leuser: vùng đất thấp tới núi cao phía Tây bắc.
• Berbak-Sembilang: đầm lầy than bùn và ven biển ở Tây Nam.
• Ulu Masen Ecosystem: vùng đất thấp tới núi cao Tây Bắc
• Batang Gadis: vùng đồng bằng tới núi thấp ở trung tâm Sumatra.
• Giam Siak Kecil: trung tâm đảo Sumatra.

Nhà khoa học Wibisono đã khởi xướng cuộc khảo sát này vì theo kinh nghiệm làm việc dày dặn tại Sumatra, ông tin rằng các nghiên cứu trước đây đã đánh giá thấp về tình trạng phân bổ của quần thể hổ tại Sumatra. Kết quả nghiên cứu của ông và đồng nghiệp đã khẳng định niềm tin này và chứng minh rằng hổ hiện diện với quy mô lớn tại Sumatra.

Số lượng hổ trên thế giới đã giảm 50% kể từ năm 1998, đến nay ước tính chỉ còn khoảng 3200 đến 3600 cá thể hổ còn lại trong tự nhiên. Việc phát hiện ra quần thể hổ phân bố trên quy mô lớn tại Sumatra là một đốm sáng nhỏ về tình trạng loài hổ trong tự nhiên. Tuy nhiên, hoạt động bảo tồn cần được đẩy mạnh hơn nữa để đảm bảo rằng loài động vật được coi là chúa tể rừng xanh này vẫn còn có tương lai.