Cá heo và chiến lược thiết lập liên minh

ThienNhien.Net – Chiến tranh giữa con người là cuộc xung đột có tổ chức nhằm đạt được những mục đích nhất định. Các cuộc tranh chấp của cá heo cũng vậy. Một vài loài thậm chí chiến đấu không vì mục đích gì khác ngoài việc tranh giành những nàng cá heo có khả năng sinh sản. Và liên minh giữa cá heo cũng ra đời từ nhu cầu tăng "sức chiến đấu".

Hai nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, đặc tính coi trọng tình bạn của cá heo giúp chúng và bạn bè vượt qua những thử thách lớn nhất trong cuộc đời – cuộc cạnh tranh nhằm duy trì nòi giống.

Việc cá heo đực mũi chai thiết lập mối liên minh với bạn bè và các đồng minh cũng phức tạp và quanh co tương tự như loài người. Những con cá đực phải cạnh tranh để có thể tiếp cận được với con cái và sự cạnh tranh đó nhận được sự trợ giúp nhiệt tình của những người bạn cùng giới hoặc các đàn cá cái, giúp ngăn chặn sự xâm nhập của tình địch.

Năm 1992, các nhà khoa học đã nghiên cứu hành vi của những con cá heo tại vịnh Shark, Australia ở cả môi trường riêng biệt và môi trường tập thể, nơi mà các cá thể liên kết với nhau thành từng nhóm nhỏ và thường xuyên có sự thay đổi về thành phần tổ chức. Việc các con cá đực hợp sức với nhau tạo thành bộ đôi hay bộ ba được coi là cấp độ liên minh đầu tiên, điều này giúp cá heo đực có thể giao phối với con cái mà không sợ chúng bơi đi mất. Tuy nhiên, đối thủ của các con đực sẽ tìm đủ mọi cách để chiếm được cá cái, khiến các bộ đôi, bộ ba của cá heo buộc phải liên kết với nhau, tạo thành cấp độ liên minh cao hơn – cấp độ liên minh thứ hai.

Nhiều quan sát cho thấy, cá heo cái hấp dẫn ngay cả khi chúng không trong chu kỳ động dục và cả khi chúng không thể sinh con. Vì thế,  “có thể xảy ra các trận đánh lớn chỉ vì một con cái” – nhà nghiên cứu hành vi động vật Richard Connor thuộc Đại học Massachusetts (Dartmouth) cho biết. Connor đã có 24 năm nghiên cứu về các loài cá heo hoang dã ở vịnh Shark. Ông khẳng định, trong cuộc chiến, bộ ba cá heo rất cần sự trợ giúp từ những bạn thân của chúng.

Mới đây, Connor và các đồng nghiệp còn phát hiện ra một cấp độ cao hơn trong khối liên minh giữa các loài cá heo. Trong những trận chiến lớn nhất, liên minh cấp hai có thể nhận sự trợ giúp từ các nhóm cá heo đực khác, hình thành nên “liên minh cấp ba”. Ngay cả với tinh tinh, các nhà khoa học cũng chưa từng thấy các đối tác yểm trợ nhau phức tạp tới vậy.

Connor cho biết, mối quan hệ rộng lớn giữa các con cá đực thường phức tạp vì những con cá cái hiếm khi chịu hợp tác với cá đực. Về mặt lí thuyết, những con cá đực đối địch nhau, không có họ hàng với nhau thì nên tránh gặp nhau. Tuy nhiên, chúng có thể giúp đồng minh của mình giữ những con cái vì trong tương lai chúng cũng sẽ cần sự trợ giúp tương tự.

Bản thân cá heo cái cũng có một mạng lưới các thành viên gia đình và bạn bè đông đảo, giúp chúng sinh nhiều con hơn và có thể nuôi những chú cá heo con đến tuổi tự lập. Kết luận này được rút ra sau khi nhóm nghiên cứu của Connor quan sát thực nghiệm trên 52 cá thể cá heo cái trên vịnh Shark.

Theo một báo cáo đăng trên Tạp chí Biology Letters, việc nghiên cứu các mối quan hệ phức tạp cũng như sự thay đổi trong các cấp độ liên minh của cá heo sẽ giúp giải thích tại sao loài vật thông minh này lại có bộ não lớn đến vậy.