Đăk Lăk: Hơn 1.000 người dân phá rừng phản đối dự án

ThienNhien.Net – Quá bức xúc trước việc UBND tỉnh Đăk Lăk cấp đất cho doanh nghiệp trồng cao su trong khi người dân thiếu đất sản xuất, hơn 1000 người đã tràn vào chặt phá 48,8 ha rừng tự nhiên thuộc các tiểu khu do Ban Quản lý rừng phòng hộ Krông Năng quản lí.

Ông Nguyễn Văn Lương, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Krông Năng cho biết, trong ngày 12/11, có khoảng 88 xe công nông, 54 xe gắn máy và hơn 1000 người dân đã tràn vào tiểu khu 340a thuộc địa giới hành chính xã Ea Pút và Ea Dah. Họ mang lương thực, dựng lán trại trong rừng, cắm mốc chia đất cho nhau. Sáng 13/11, có thêm 70 người tiếp tục vào chặt phá. Đến chiều 15/11, “công cuộc” phá rừng mới ngừng nghỉ.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, phần lớn những người tham gia phá rừng đều có hộ khẩu thường trú tại xã Ea Hồ, Ea Tam, thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng và xã Ea Rông, thị xã Buôn Hồ, trong đó có người nguyên là phó chủ tịch xã, có người là nguyên cán bộ Phòng Giáo dục huyện Krông Năng và cả trưởng thôn…

Theo ghi nhận của Nông thôn Ngày nay ngày 19/11, vụ phá rừng xuất phát từ việc Sở NN&PTNT và UBND tỉnh Đăk Lăk cho phép Công ty TNHH Lộc Phát phá 357ha rừng để trồng cao su, trong khi người dân tại chỗ không có đất sản xuất. Mặt khác, khi chưa có quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Xuân – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã “bật đèn xanh” cho phép Công ty Lộc Phát xây nhà, làm vườn ươm, thậm chí đưa cả lực lượng bảo vệ mặc sắc phục… giống kiểm lâm vào rừng.

Trong báo cáo gửi UBND tỉnh, ông Xuân viện cớ một số đối tượng muốn tranh giành quyền sử dụng đất với Công ty Lộc Phát nên mới lôi kéo, xúi giục người dân phá rừng. Tuy nhiên, nội dung báo cáo này được chứng minh là sai hoàn toàn vì trên thực tế có gần 300 hộ dân trong số những người đi phá rừng thiếu đất thực sự.

Chiều 12/11, UBND tỉnh Đăk Lăk quyết định chấm dứt chủ trương cho phép Công ty Lộc Phát trồng cao su trong lâm phần thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Krông Năng. UBND huyện cũng cam kết giải quyết đất sản xuất cho người dân thiếu đất trong thời hạn 3 tháng, thay vì “giải quyết sớm nhất” như trước đây.