Thế giới cần một hiệp ước toàn cầu về nguồn nước

ThienNhien.Net – Trong tuần lễ nước sạch thế giới diễn ra tại Stockholm, Thụy Điển, hồi trung tuần tháng 8 vừa qua, James Leape, tổng giám đốc của WWF đã giới thiệu với công chúng cuốn sách “Những điều cần biết về Hiệp ước nguồn nước của Liên Hợp Quốc năm 1997”. Đây là một hiệp ước quốc tế quan trọng trong việc đảm bảo an ninh nước sạch trên phạm vi toàn cầu tuy nhiên nó đã nhanh chóng rơi vào quên lãng, chủ yếu do sự thất bại của các quốc gia trong việc thực hiện những điều đã nêu trong hiệp ước này.

Vào năm 1997, có tới hơn 100 quốc gia bỏ phiếu phê chuẩn đạo luật về việc sử dụng những nguồn nước trên thế giới (trong đó chỉ có Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Burundi bỏ phiếu chống). Mặc dù các tổ chức quốc tế, các cơ quan của LHQ cũng như các chính phủ (Ghana, Hà lan và cộng đồng kinh tế các quốc gia Đông Phi) đạt được một số thành công trong việc ủng hộ hiệp ước và thuyết phục các nước khác hành động nhưng chỉ có 16 nước thực hiện những điều khoản nêu ra trong hiệp ước.

Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu các cơ chế pháp lý trong việc giải quyết những tranh chấp các khu vực giao giữa các lưu vực sông. Vì thế, thế giới cần có một hiệp định khung trong việc quản lý phát triển bền vững và ngăn ngừa tranh chấp xung quanh vấn đề trên để có thể đối phó với khủng hoảng nguồn nước đang ngày một gia tăng.

Nếu có hiệu lực và được triển khai rộng rãi bởi các quốc gia đang cùng nhau chia sẻ nguồn nước từ những hệ thống sông, hồ, các vùng đất ngập nước, hiệp ước có thể đóng góp rất lớn trong việc chấm dứt những lộn xộn trong việc tranh giành nguồn nước và cải thiện điều kiện nước tại 263 con sông và hồ – chiếm tới 60% lượng nước sạch trên thế giới – tại 145 nước trên thế giới.

Hiệp ước về nguồn nước của Liên Hợp Quốc sẽ tạo điều kiện cho việc tra cứu và chia sẻ lợi ích từ các dự án về cơ sở hạ tầng trọng điểm và giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp về nguồn nước giữa các quốc gia.

Trước tình trạng gia tăng của hiện tượng thiếu nước, giảm chất lượng nước và biến đổi khí hậu cũng như leo thang tranh chấp nguồn nước, các chuyên gia nhận định rằng đây không chỉ gói gọn trong vấn đề an ninh nước sạch và con người mà còn là vấn đề an ninh quốc gia và thế giới. Do đó, tất cả những gì chúng ta cần làm là thực hiện được những điều đao to búa lớn mà chúng ta đã đề ra.