Ngụy trang cho lý lẽ phát triển thủy điện

ThienNhien.Net – Thủy điện thường được những nhà phát triển đập cho là một nguồn năng lượng tái tạo thân thiện môi trường. Song thực tế đã cho thấy, những con đập thủy điện ít nhiều đều gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và tác động sâu sắc tới đời sống, sinh kế của người dân trong khu vực xây đập.


Hơn 6.200 người dân đã phải di dời để phục vụ dự án Nam Theun 2 – công trình thủy điện lớn nhất tại Lào hiện nay. Ngỡ tưởng cuộc sống nơi tái định cư sẽ đem đến cho họ no ấm, nhưng ngoài ngôi nhà mới, họ chỉ nhận được những mảnh đất khô cằn, nhỏ bé, kèm theo sự bất ổn về nghề nghiệp.

Điều mà họ mong đợi dường như trái ngược với những hứa hẹn mà Công ty phát triển dự án Nam Theun 2 (Electricité de France) cùng Chính phủ Lào, Ngân hàng Thế giới và các đơn vị tài trợ từng phát biểu trước đó, rằng Nam Theun 2 là “dự án xóa đói giảm nghèo” và đây sẽ là dự án khác hoàn toàn các dự án trước. Công ty phát triển dự án Nam Theun 2, thậm chí còn cam kết phục hồi nguồn thu nhập cho những người dân chịu ảnh hưởng. Ngân hàng Thế giới cũng tuyên bố, Chính phủ Lào sẽ sử dụng lợi nhuận từ việc bán điện Nam Theun 2 cho nước láng giềng Thái Lan để làm lợi cho người nghèo. Những hứa hẹn này đã thúc đẩy việc hoàn tất các thủ tục, đem lại cho các cơ quan phát triển, các ngân hàng và cơ quan tín dụng xuất khẩu Châu Âu hàng trăm triệu đô la tiền trợ cấp, tiền cho vay cùng 1,45 tỷ đô la tiền bảo hiểm dự án.

Nhưng trong khi Nam Theun 2 đã gần hoàn tất thì các chương trình môi trường và xã hội vẫn giậm chân tại chỗ. Những thỏa thuận pháp lý bị vi phạm, các cam kết về môi trường và xã hội cũng bị phá bỏ. Cuộc sống của các cư dân Lào vì thế càng khó khăn.

Thay vì là một mô hình mới về phát triển thủy điện, kinh nghiệm từ việc xây dựng Nam Theun 2 chỉ càng củng cố thêm bài học thấm thía từ những dự án thủy điện lớn trên thế giới. Không chỉ làm tiêu tan hy vọng, Nam Theun 2 còn mang lại mối đe dọa lớn hơn, với những lời hứa dở dang, cuộc sống bị đảo lộn và hệ sinh thái bị tàn phá khủng khiếp.

Dường như nét “đặc trưng” của các dự án thủy điện trên thế giới đều là “lời hứa gió bay” – lời hứa bao giờ cũng được thực hiện trước để nhận được sự thông qua dự án, nhưng ngay sau đó lại bị phá bỏ bởi chính những người phát triển dự án và chính phủ nước sở tại.

Bùng nổ thủy điện

Ngành xây dựng đập đang cố gắng che đậy thủy điện dưới lớp vỏ “thân thiện với môi trường”, nhằm thuyết phục thế giới rằng những thế hệ đập tiếp theo sẽ tạo ra nhiều nguồn năng lượng sạch, giúp giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ở một số lưu vực sông có dòng chảy lớn như Amazon, Mê Kông, Công Gô và các sông thuộc Patagonia, chính phủ và ngành xây dựng đập đang đẩy mạnh việc xây các con đập đồ sộ, tất cả đều được ngụy trang dưới “chiêu bài” năng lượng sạch.

Sau một thập niên tạm lắng, hoạt động xây đập trên thế giới sôi động trở lại và ngày càng được thúc đẩy bởi những luồng vốn mới từ Trung Quốc, Brazil, Thái Lan, Ấn Độ và các nước có thu nhập trung bình khác. Đặc biệt, các thể chế tài chính Trung Quốc đã thay thế vị trí của Ngân hàng Thế giới để trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào các dự án đập trên toàn cầu. Các công ty và các ngân hàng Trung Quốc đã tham gia xây dựng 216 đập lớn tại 49 quốc gia khác nhau, đặc biệt là tại Châu Phi và khu vực Đông Nam Á.

Hãy cùng nhìn lại hoạt động xây dựng đập mạnh mẽ ở Trung Quốc, lưu vực sông Amazon và Châu Phi để thấy được những rủi ro tiềm ẩn.

Trung Quốc: Quốc gia này hiện có hơn 25.000 đập lớn, chiếm một nửa số đập trên toàn thế giới. Các dự án đập đã buộc hơn 23 triệu người dân phải từ bỏ nhà cửa, đất đai và phần nhiều trong số đó đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc chuyển dời chỗ ở. Khoảng 30% số lượng các sông ở Trung Quốc cũng đang bị ô nhiễm nặng bởi các chất thải, phế phẩm nông nghiệp, khai mỏ và hóa chất công nghiệp. Dòng chảy của một số sông (như sông Hoàng Hà) thậm chí còn bị thay đổi tới mức không thể đổ ra biển.

Trong số các đập trên thế giới, đập Tam Hiệp của Trung Quốc có lẽ là dự án tai tiếng nhất. Lượng điện được tạo ra từ con đập có thể tương đương với 25 nhà máy nhiệt điện, nhưng cái giá phải trả cho sự đánh đổi này cũng không hề nhỏ. Dự án đã gây ra biết bao phiền toái bởi nạn tham nhũng, tình trạng lạm phát, vi phạm nhân quyền, kèm theo những mối hiểm họa về môi trường và những khó khăn trong quá trình tái định cư. Hơn 1,3 triệu dân đã phải di dời để nhường đường cho con đập, trong đó, hàng trăm nghìn người chỉ nhận được những mảnh đất nhỏ, cằn cỗi hoặc bị đưa đến các khu ổ chuột ở thành phố với số tiền đền bù ít ỏi và nhà ở chật hẹp. Việc để xảy ra sạt lở tại 91 điểm ven hồ chứa đập Tam Hiệp cũng làm chết rất nhiều người, buộc các ngôi làng tái định cư tiếp tục phải di dời.

Tại phía Tây Nam Trung Quốc, cũng có ít nhất 114 đập trên 8 con sông được đề xuất xây dựng hoặc đang trong quá trình phát triển, trong đó nhiều dự án thuộc “hàng” lớn nhất trên thế giới, tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái, buộc di dời hàng trăm nghìn người và gây mối lo ngại cho các cộng đồng phía hạ nguồn. Bên cạnh đó, nguy cơ động đất do ảnh hưởng từ các con đập này cũng ngày một tăng. Bằng chứng là trận động đất kinh hoàng 7,9 độ richter xảy ra vào tháng 5/2008 tại tỉnh Tứ Xuyên, làm chết gần 90.000 người, nguyên nhân có thể do ảnh hưởng của đập Zipingpu. Điều này đặt ra giả thuyết, các đập lớn có thể tạo ra động đất thông qua các cơn địa chấn nhỏ phát sinh từ hồ chứa.

Sông Amazon: Núp dưới chiêu thức quảng bá nguồn năng lượng sạch, rẻ, các nhà xây dựng đập ở Brazil đã lên kế hoạch xây hơn 100 đập trên sông Amazon. Trong khi một số dự án vẫn chờ cấp phép thì đã có 2 đập lớn đang được xây dựng trên sông Madeira, một trong những nhánh chính của sông Amazon.

Với việc làm ngập nhiều khu đất rộng thuộc rừng nhiệt đới, kèm theo sự gia tăng các hoạt động khai thác gỗ, các dự án đập trên sông Amazon dự kiến sẽ đe dọa và làm xáo trộn sự cân bằng nguồn nước vốn rất mong manh của sông và làm tăng hiện tượng khô hạn của rừng – vấn đề đang diễn ra phổ biến do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nạn phá rừng trên diện rộng.

Thêm một luận chứng phản bác lại chủ trương xây đập là lượng phát thải khí nhà kính có thể gia tăng nhanh từ việc thực hiện các dự án đập. Một số đập trên sông Amazon hiện được xem là những đập gây ô nhiễm nhất hành tinh, chỉ riêng đập Balbina đã phát thải các khí nhà kính gấp 10 lần so với nhà máy nhiệt điện có cùng công suất (lượng khí này sinh ra do nguồn thực vật bị phân hủy trong hồ chứa của đập).

Khả năng phát triển vùng đồng bằng Amazon cũng sẽ bị suy giảm do một lượng lớn trầm tích và các chất dinh dưỡng bị mắc kẹt trong các hồ chứa.

Dù biết nhu cầu năng lượng trong tương lai của Brazil là rất cấp thiết, nhưng vẫn có nhiều lựa chọn thay vì xây dựng ngày càng nhiều đập thủy điện. Nghiên cứu của Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho thấy, Brazil có thể đáp ứng được một phần quan trọng nhu cầu sử dụng năng lượng và các chi phí kinh tế, xã hội, môi trường thông qua việc đầu tư hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo.

Châu Phi: Tại châu Phi, hoạt động xây dựng đập cũng bắt đầu gia tăng. Châu Phi hiện là nơi có mức độ điện khí hóa thấp nhất thế giới, chỉ một phần nhỏ cư dân nơi đây có điện. Giải quyết vấn đề này là điều rất khó bởi tình trạng đói nghèo ngày càng lan rộng, nguồn tài chính của chính phủ hạn hẹp, đặc biệt đa số người dân sống xa lưới điện nên chi phí “kéo điện về làng” gặp rất nhiều khó khăn.

Ngân hàng Thế giới và nhiều nhà chính sách của châu Phi đang nuôi hy vọng thực hiện chương trình điện khí hóa châu Phi bằng việc xây dựng hàng loạt các đập lớn trên khắp lục địa. Phát biểu tại một hội nghị về năng lượng được tổ chức đầu năm, ông Reynold Duncan, chuyên gia năng lượng của Ngân hàng Thế giới cho rằng, châu Phi cần tăng cường đầu tư cho thủy điện. Ông khẳng định, “chúng ta có tiềm năng đạt 6.000 MW ở Zambia, 6.000 MW ở Angola và khoảng 12.000 MW tại Mozambich” và “chúng ta vẫn còn nhiều MW ở đây trước khi chuyển hướng đến Congo”.

Cũng theo Duncan, chính phủ và các nhà đầu tư không nên do dự khi nhìn vào tài sản đầy rủi ro như thủy điện, vì hiện mới có 5% tiềm năng thủy điện ở châu Phi được khai thác. Tuy nhiên, trên thực tế, thuật ngữ “rủi ro” trong trường hợp này hoàn toàn đúng, bởi các đập đang được xây dựng ở châu Phi không hề có đánh giá về tác động của biến đổi khí hậu, dù nhiều đập hiện có đã khô hạn, gây nên tình trạng thiếu điện.

Nạn tham nhũng

Các đập lớn có thể đóng góp vào sự phát triển, nhưng tiến bộ đó thường đi kèm với những tổn thất khổng lồ. Vậy tại sao con người vẫn tiếp tục xây đập và khuyến khích chúng?

Một trong những lý do chính là vấn đề quyền lợi. Trong ngành thủy điện, sẽ có những khoản lợi nhuận đáng kể dành cho mạng lưới các nhà tư vấn và quan chức nước sở tại, từ lúc lập kế hoạch đến khi xây dựng và vận hành dự án. Sức hấp dẫn từ khoản lợi nhuận này bao trùm và át đi những tác động đến cuộc sống người dân và hệ sinh thái, cũng như nhu cầu phát triển kinh tế bền vững trong thời điểm khủng hoảng nguồn nước và lương thực.

Các nhà tư vấn và các công ty xây đập, khi đảm nhận việc nghiên cứu khả thi và đánh giá tác động môi trường đều nhận thấy, họ sẽ phải tự “vẽ” ra chân dung một dự án theo chiều hướng tích cực nếu họ muốn nhận được các hợp đồng trong tương lai. Với mỗi dự án đã chọn, họ đều phải khẳng định, các tác động có thể được làm giảm nhẹ và dự án được trình là lựa chọn tốt nhất.

Việc xây đập thường đòi hỏi nguồn đầu tư khổng lồ, tạo điều kiện cho quan chức chính phủ và các chính trị gia “hớt” trước một số kinh phí. Một trong những bằng chứng tồi tệ nhất về tình trạng này là Dự án đập Yacyretá trên sông Parana, nằm giữa địa phận Argentina và Paraguay. Trong những năm 1980, chi phí dành cho “công trình tham nhũng lớn” này đã tăng từ con số ước tính 1,6 tỷ đô la lên 8 tỷ đô.

Trong các năm 2002 và 2003, một số công ty xây dựng đập lớn nhất trên thế giới cũng bị kết án về tội hối lộ cựu Giám đốc Lesotho Highlands Development Authority, nhằm giành được hợp đồng xây dựng đập Katse ở Lesotho, châu Phi.

Tại Trung Quốc, các quan chức địa phương cũng “chôm” hàng triệu đô la từ số tiền di dời để xây đập Tam Hiệp. Ít nhất 349 người đã bị kết tội biển thủ gần 12% ngân sách dành cho việc tái định cư của dự án.

Hướng tới nguồn năng lượng xanh

Tham nhũng thực sự là vấn đề không dễ giải quyết. Những nỗ lực có hệ thống và tham vọng nhất cho đến nay đã được thực thi bởi Ủy ban Thế giới về Đập (WCD), một hội đồng đa ngành độc lập được thành lập bởi Ngân hàng Thế giới và Hiệp hội Bảo tồn Thế giới (IUCN) vào năm 1998. Sau quá trình đánh giá toàn diện hoạt động xây dựng các con đập lớn, WCD đã công bố báo cáo tổng kết “Đập và Phát triển: Một khuôn khổ mới cho quá trình quyết định” vào năm 2000.

WCD giới thiệu phương thức quản lý dưới dạng mở, có sự tham gia của nhiều bên nhằm xác định và đánh giá cẩn trọng nhu cầu thực tế về nước và năng lượng, trong đó, các vấn đề môi trường và xã hội được coi trọng tương xứng với các yếu tố tài chính, kinh tế và kỹ thuật.

Nếu một đập mới cần thiết phải xây dựng thì vấn đề môi trường và xã hội nổi cộm từ các đập hiện có nên được giải quyết, và lợi ích thu được từ các dự án này nên được tối đa hóa. Đặc biệt, cần minh bạch sự chấp thuận của cộng đồng về tất cả các quyết định quan trọng, trong đó các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống người bản địa cần được hướng dẫn trước khi dự án triển khai và trên tinh thần tự nguyện.

Quá trình đánh giá tác động nên tuân theo các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu và tiêu chuẩn Đánh giá tác động môi trường (EIA) toàn cầu. Theo định nghĩa, một EIA hiệu quả phải đảm bảo những hậu quả về mặt môi trường được xác định và đánh giá trước quá trình cấp phép – điều mà hầu như không bao giờ các dự án làm được. Đối với các dự án đập trên các con sông quốc tế, cần đánh giá tác động tiềm ẩn xuyên biên giới hoặc các tác động tích lũy từ những dự án đa đập tại các lưu vực sông của khu vực.

Điều đáng buồn là ngành xây dựng đập đã bác bỏ toàn bộ các hướng dẫn của WCD và ngay trong năm 2007 đã tự thiết lập quá trình ra quyết định, tiến tới việc xây dựng một nghị định thư và lấy đó làm điểm chuẩn cho các dự án đập.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nỗ lực tái thiết thủy điện thành công nghệ xanh có khả năng là sai lầm lớn của ngành xây dựng đập. Giải pháp nhanh nhất, sạch nhất và rẻ nhất vẫn là đầu tư vào việc sử dụng năng lượng một cách hiệu quả. Chẳng hạn, 3/4 điện sử dụng tại Hoa Kỳ có thể được tích trữ bằng các biện pháp tính toán hiệu quả, tốn ít chi phí hơn. Các quốc gia đang phát triển, nơi mà đến năm 2020 sẽ phải giải quyết 80% sự gia tăng nhu cầu năng lượng toàn cầu cũng có thể cắt giảm một nửa con số này nhờ sử dụng các kỹ thuật hiện đại hiện có.

Bên cạnh đó, cần tập trung khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt, năng lượng mới từ sinh khối và năng lượng sinh học hiện đại. Đặc biệt, cần sớm hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm loại bỏ triệt để tệ nạn tham nhũng. Những quy định này phải được Ngân hàng Thế giới, ngành xây dựng đập, các công ty thủy điện và các chính phủ công khai. Việc thông qua các hướng dẫn của WCD kết hợp với việc hoàn thiện thủ tục pháp lý về luật chống tham nhũng và các cam kết thực thi sẽ buộc những người thực hiện dự án phải tuân thủ theo đúng luật định.

Có thể nói, cuộc đấu tranh kiên quyết chống lại nạn tham nhũng, cùng với việc chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tài chính sẽ là chìa khóa cho phép các quốc gia đang phát triển đạt được nguồn năng lượng vững bền trong thế kỷ 21.