Từ "Danube đỏ" tới Srêpôk Tây Nguyên

ThienNhien.Net – "Quả bom bùn đỏ" đáng tiếc đã vỡ tung toé ở một vùng quê cách không quá xa thủ đô của đất nước xinh đẹp Hungary vào ngày mùng 4/10. Nếu như có ai đó buồn nhất, hẳn phải là tác giả đã quá cố của bản nhạc "Danube xanh" nổi tiếng khắp thế giới Johann Strauss, vì dòng sông xanh êm dịu của ông đã ngàu đỏ màu bùn.


Từ Danube đỏ …

Câu chuyện vỡ hồ chứa bùn có thể nói đã tạo nên cơn chấn động ở Hungary và gây sửng sốt, lo lắng cho toàn vùng hạ lưu sông Danube(*), nơi 6 quốc gia Croatia, Serbia, Bulgaria, Romania, Moldova và Ukraine tiếp nhận dòng sông chảy qua Hungary. Sự cố chưa có tiền lệ này cũng khiến không ít quốc gia trên toàn cầu giật mình nhìn lại bản thân.

8 người chết, hơn 100 người bị thương là con số đã được ghi nhận. Nhưng nỗi lo vỡ hồ chứa bùn đỏ tiếp diễn cùng nguy cơ bệnh tật cho hàng triệu người vẫn còn đeo đẳng ở phía trước. Các nhà khoa học cho đến thời điểm này cũng chưa thể khoanh vùng sẽ có bao nhiêu vạn người, triệu người sẽ bị ảnh hưởng, hoặc bao nhiêu triệu đô la cần huy động để giải quyết hậu quả.

Nhà máy Ajkai Timfoldgyar nơi để xảy ra sự cố là một trong ba cơ sở thuộc Công ty Sản xuất và Thương Mại Aluminum Hungary có 15 năm thâm niên trong nghề. Trước đó người ta vẫn có thể nói mạnh rằng tất cả các sự cố môi trường đều đã được tính toán đầy đủ, không có gì đáng lo ngại. Nhưng nay, chỉ khi sự việc rõ ràng như lòng bàn tay, mọi lời cam đoan chắc như đinh đóng cột ấy mới nhão ra như bùn đỏ.

Báo chí quốc tế cho biết các chuyên gia đã loại các yếu tố thiên tai, thời tiết ra khỏi nguyên nhân gây sự cố, rất có khả năng con người – với sự sơ suất, với lòng tham hoặc với sự thiếu trách nhiệm của mình – mới chính là thủ phạm. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã sẵn sàng cho cuộc săn tìm thủ phạm để truy cứu trách nhiệm. Ông quả quyết trước báo chí: “Đằng sau tấn bi kịch này, chắc chắn phải có sự sai sót và lỗi lầm nào đó của con người. Chúng tôi sẽ vạch rõ chân tướng sự việc.”

…. tới Srêpôk Tây Nguyên

Các bạn Đông Âu xa xôi có lẽ không biết rằng ở Việt Nam, những ánh mắt dõi theo các bạn cũng đang lo lắng nhìn lại chính tổ quốc mình. Bởi Việt Nam cũng đang chủ trương khai thác mỏ bô-xít lớn thứ nhì thế giới và có những nhà máy khai luyện bô-xít đã và sắp khởi công. Dĩ nhiên, mỏ bô-xít và quy mô khai thác ở Việt Nam sẽ lớn hơn nhiều.

Còn nhớ hồi đầu năm nay, ngay trước thời điểm khởi công xây dựng Nhà máy Alumin Nhân Cơ, ông tổng giám đốc đã quả quyết với báo chí: “Dù có xảy ra động đất làm vỡ hồ thì bùn đỏ cũng không thể trôi đi đâu ào ào như nước được, vì theo thời gian nó sẽ khô cứng, có thể đi lại được trên đó.” Nhưng nhiều người dân thì chưa tin, bởi vùng trữ bùn đỏ nằm ở thung lũng, liệu những hồ bùn có khô được không với lượng mưa trung bình cứ như ở Đắc Nông 2.500 mm/năm.

Ở Việt Nam, người ta cũng tính chuyện tận dụng bùn đỏ làm vật liệu xây dựng hay tái chế thành các sản phẩm khác, nghe đầy triển vọng, nhưng dù sao đó vẫn chỉ là những đề tài bàn thảo trong hội nghị, khi chưa đặt phép tính chi phí – lợi ích kinh tế-môi trường.

Quả thực các nhà quản lý Việt Nam cũng đã rất lo xa, một mặt vừa cam đoan rằng hồ chứa bùn đỏ được thiết kế chống tràn, chống thấm tuyệt đối, không ảnh hưởng mạch nước ngầm trong khu vực, nhưng mặt khác vẫn lo ….di dời các khu dân cư xa khu vực Hồ chứa bùn đỏ, yêu cầu dân cư không được nằm trong vùng hạ lưu hồ chứa, không sử dụng mạch nước ngầm thấp hơn hồ chứa bùn đỏ.

Nghĩa là, chỉ riêng nói về bùn đỏ thôi, “cam đoan” nhưng “không có nghĩa là đảm bảo tuyệt đối”.

Một tuần sau sự cố, nhà máy của Hungary để xảy ra sự cố đã bị phong toả, giám đốc công ty đã bị tạm giữ, người ta cũng đã nhanh chóng xây dựng những bức tường ngăn không cho bùn đỏ lan rộng vào khu dân cư, nhưng nỗi lo “bom bùn” thì vẫn treo lơ lửng.

Sự cố xảy ra thật đáng tiếc cho Hungary và châu Âu, nhưng rõ ràng đó là bài học để Việt Nam tự soi mình, khi đang dè dặt bước chân vào “đại công trường bô-xít”.


*Sông Danube là dòng sông lớn thứ hai của châu Âu. Sông bắt nguồn từ Rừng Đen ở Đức, chảy qua 10 quốc gia Trung và Đông Âu trước khi đổ vào biển Đen. Vùng châu thổ Danube đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới năm 1992.