Đánh bắt “huỷ diệt” các loài thuỷ sản trên hồ Dầu Tiếng

ThienNhien.Net – Những năm gần đây nhờ việc tỉnh chi ngân sách thả bổ sung cá giống với số lượng lớn (gần 4 triệu con) vào hồ Dầu Tiếng, nên sản lượng cá trong hồ tăng lên rõ rệt. Đồng thời, số người sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản ở đây cũng tăng lên đến hơn 1.000 người; sản lượng đánh bắt cũng tăng từ hơn 300 tấn (năm 2005) lên hơn 1.000 tấn. Hiện nay bình quân mỗi ngày sản lượng đánh bắt cá trong hồ được hơn 3 tấn các loại.

Một số loài cá thả bổ sung vào hồ phát triển rất tốt như mè hoa, cá trôi, cá trắm cỏ, đặc biệt là cá rô phi phát triển rất nhanh về số lượng và trọng lượng từng cá thể. Khi mới thả, vì được nhân giống bằng phương pháp nhân tạo, nên cá giống chưa thể thích nghi ngay với môi trường tự nhiên, chúng tụ tập đi thành đàn, và sống gần bờ, nên rất dễ bị đánh bắt.

Điều đáng quan ngại hiện nay là số người đánh bắt bằng các phương tiện mang tính huỷ diệt khá phổ biến. Từ năm 2006, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đã triển khai việc nghiêm cấm đánh bắt thuỷ sản bằng các phương tiện huỷ diệt như: Chất nổ, xung điện, hoá chất, lưới cào kèm theo xung điện, lưới cá cơm, lưới bén mắt nhỏ, vó đèn đêm và “dến” (được làm từ mành lưới cá cơm lỗ nhỏ như màn chống muỗi). Trước đây do ngành chức năng thực hiện kiên quyết, nghiêm túc nên các phương tiện này giảm hẳn, nhờ vậy đã góp phần làm cho lượng thuỷ sản trong hồ tăng lên đáng kể. Thế nhưng hiện nay các phương tiện đánh bắt huỷ diệt này lại phát triển tràn lan, khó có thể kiểm soát. Vào mùa nước nổi ven theo các triền đất bán ngập gần bờ, tràn lan, dày đặc các loại “dến” như mê hồn trận, bất kỳ một con vật gì lọt vào “dến” đều chịu chết. Tập tính của hầu hết các loài cá, về đêm thường lên vùng nước cạn gần bờ để kiếm ăn, khi sa vào “mê hồn trận dến” đều bị tận diệt. Nay lại xuất hiện thêm 2 loại “dến” nguy hại hơn đó là một loại “dến” có tầm cao giăng đánh bắt ở vùng nước sâu tới vài mét, người giăng “dến” phải ngồi trên ghe như giăng lưới bén, loại này đánh bắt cả những con cá lớn, đi thành đàn đông. Một loại “dến” khác, được giăng ngầm dưới đáy hồ, loại này chuyên đánh bắt cá lăng, cá bống tượng.

Vòng quanh các bến cá ven bờ hồ Dầu Tiếng vào mùa nước nổi, mỗi buổi sáng, người tinh ý sẽ nhận biết đâu là loại thuỷ sản đánh bằng “dến”, loại nào đánh bằng lưới bén, loại nào vó đèn. Những bầy cá mè hoa, mè trắng, cá trôi mỗi con nặng từ 1 kg trở lên, trên mình con nào cũng tróc vảy, lồi mắt, đích thị bầy cá đó bị sức ép chất nổ mà chết.

Chị NTV, chuyên hành nghề sang cá ở bến chở đi các chợ bán kiếm lời cho biết: “ Nhiều khi phải sang hàng chục ký cá mè hoa, cá lăng nhỏ xíu, vì là mối mang phải nhận, chứ loại cá nhỏ mới thả bán giá rất rẻ, lại thường xuyên ế ẩm, có khi chỉ bán làm thức ăn chăn nuôi”.

Thiết nghĩ, việc ngành NN & PTNT thả bổ sung các loài cá giống vào hồ là rất cần thiết, nhưng việc bảo vệ và khai thác, đánh bắt có kế hoạch là việc không kém phần quan trọng. Đi đôi với việc tuyên truyền giáo dục, phải xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm là rất cần thiết. Cần quy định hạn chế tối đa việc đánh bắt vào mùa cá sinh sản, và xác lập những vùng cấm tuyệt đối việc đánh bắt, để tạo môi trường sinh thái ổn định cho các loài thuỷ sản sinh sôi nảy nở.