Phát triển nông thôn với vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học

ThienNhien.Net – Theo ý kiến của một chuyên gia ở ĐH Caliphornia, việc đầu tư cho phát triển nông thôn ở các nước thuộc Thế giới thứ ba sẽ là không đủ để có thể cải thiện đáng kể tình trạng tài chính của các hộ gia đình ở vùng nông thôn hay bảo tồn đa dạng sinh học.

Truman Young, một giáo sư thuộc khoa Khoa học Thực vật và Trung tâm Sinh học dân số của trường này đã bày tỏ những quan ngại nói trên trong một bài báo đăng trên tạp chí Pháp luật và Chính sách quốc tế về động vật hoang dã, số ra ngày 23/2/2007.

Các dự án quốc tế đã được triển khai trong rất nhiều năm nhằm nâng cao thu nhập cho các gia đình làm nông nghiệp ở nông thôn, và gần đây chúng cũng trở thành một bộ phận của những chiến lược tổng thể bao gồm cả bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH). Tuy nhiên, theo ông Young, ngay cả khi chiến lược này có được hiệu quả cao nhất, diện tích đất nơi đây vẫn không thể duy trì được cuộc sống cho mức dân số hiện tại, hoặc chỉ ở mức đói nghèo.

Hơn nữa, các nhà hoạt động nỗ lực giảm nghèo và bảo tồn môi trường sống tự nhiên nên nhận ra rằng, một bộ dân số đang chuyển từ khu vực nông thôn ra thành thị trên quy mô vô cùng lớn, và nên tập trung vào việc tạo cho những người dân di cư này có những kỹ năng để họ có thể bươn chải với cuộc sống thành phố.

Ông Young tập trung vào vùng lòng chảo Amazon của Brazil và Khu bảo tồn quốc gia Maasai Mara của Kenya như là những ví dụ điển hình của việc hạn chế phát triển nông thôn. Cả hai khu vực này đều rất giàu có về ĐDSH tự nhiên nhưng lại nghèo về nguồn dinh dưỡng và những trận mưa rào vốn rất cần thiết để đảm bảo những vụ mùa bội thu cho các cộng đồng nông nghiệp. Việc sử dụng các chính sách phát triển để tăng năng suất nông nghiệp hay khai thác các nguồn tài nguyên như gỗ hay cao su có thể nâng cao đáng kể thu nhập của các hộ gia đình trong ngắn hạn, nhưng sẽ không bao giờ là đủ để có thể hoàn toàn giải phóng họ thoát khỏi cảnh đói nghèo.

“Chúng ta cần phải nhận thức được rằng đối với rất nhiều người sống ở vùng nông thôn, đặc biệt là với thế hệ trẻ, các thành phố có một sức hấp dẫn rất lớn. Xu hướng này đang tăng lên một cách vững chắc, và dân số nông thôn ở rất nhiều đất nước nhiệt đới đã giảm đi. Trước hiện tượng này, chiến lược tốt nhất trong dài hạn có thể là hỗ trợ các cộng đồng nông thôn di cư bằng cách giáo dục họ làm sao để trụ lại những vùng mới đến hơn là khuyến khích họ ở lại những vùng đất khô cằn, không đem lại hiệu quả kinh tế”.

Thêm vào đó, những vùng đất bị bỏ hoang khi người dân di cư ra thành phố có thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ĐDSH tự nhiên. Bài báo chỉ ra một vài trường hợp đất đai nông nghiệp ở vùng Amazon đã chuyển thành rừng tái sinh sau khi bị bỏ hoang.

Ông Young chỉ ra rằng việc di cư ra thành phố không phải là một liều thuốc thần dược về mặt kinh tế – bởi rất nhiều trung tâm đô thị nghèo, nguy hiểm và nhiều hiểm hoạ sức khoẻ. Ông cũng không tán thành việc ép buộc người dân phải rời khỏi nhà của họ ở nông thôn như là một biện pháp để bảo tồn ĐDSH.

Thay vào đó, ông thuyết phục những nhà bảo tồn tự nhiên nhận ra quá trình di cư ra thành phố là một trào lưu dài hạn không thể tránh khỏi của con người, và nên tập trung nỗ lực vào việc giúp cho giai đoạn chuyển giao của họ được suôn sẻ và thân thiện với môi trường đến mức tốt nhất có thể.