Sa Pa: Du lịch "nhường" thủy điện?

ThienNhien.Net – Sa Pa – Thiên đường du lịch mùa hè của Miền Bắc đang ngày càng hiện đại song cũng mất dần vẻ đẹp hoang sơ, nét quyến rũ vì các hoạt động phát triển, đặc biệt là các công trình thủy điện. Những tác động tiêu cực từ thủy điện đối với môi trường và cảnh quan thiên nhiên nơi đây đang trở thành nỗi quan ngại, không chỉ với người dân địa phương, mà còn với du khách thập phương, những ai yêu mến mảnh đất này.


Môi trường bị bỏ ngỏ

Huyện Sa Pa có 18 xã và 1 thị trấn, nhưng có đến 19 nhà máy thủy điện được quy hoạch xây dựng. Tính trung bình thì mỗi xã thị trấn có một thủy điện được quy hoạch.

Hiện nay, có 5 thủy điện đang được triển khai xây dựng là: Thủy điện Séo Choong Hô, Nậm Toóng (thủy điện Sa Pa), Sử Pán 2, Nậm Củm và Lao Chải. Các công trình thủy điện khác nằm trong quy hoạch nhưng chưa thi công đang được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai quyết định tạm dừng để rà soát, xem xét lại tính khả thi và các yếu tố khác.

Trong khi quan ngại về tác động của các dự án thủy điện đối với môi trường, xã hội ở một “thiên đường du lịch” như Sa Pa vẫn còn đó, các dự án thủy điện đang được triển khai dường như càng làm sâu sắc thêm mối quan ngại ấy. Báo cáo số 38/BC-UBND của Ủy ban Nhân dân huyện Sa Pa ngày 27/2/2010 về đánh giá tác động môi trường của một số dự án thủy điện trên địa bàn huyện Sa Pa cho thấy, cả 3 công trình thủy điện đang thi công ở xã Bản Hồ đều vị phạm về đổ chất thải rắn, gây nguy hại cho môi trường.

Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, ông Vàng A Vững – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bản Hồ bức xúc: “Bản Hồ là xã có nhiều thủy điện nhất, đang được xây dựng ở huyện Sa Pa, với 3 thủy điện: Thủy điện Sử Pán 2, Séo Choong Hô, Nậm Toóng. Các công trình thủy điện trên địa bàn xã không tuân thủ các nguyên tắc về đổ chất thải. Khi mở đường đặt đường ống dẫn nước, họ thường đổ đất, đá xuống các khe, nên khi mưa xuống, đất đá trôi tràn hết con suối Mường Hoa”.

Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiểm tra và yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ quy định đổ chất thải, song việc vi phạm vẫn tái diễn. Ngày 2/7/2010, Ủy ban Nhân dân huyện Sa Pa đã quyết định xử phạt hành chính công ty Công trình thủy điện Sa Pa (Thủy điện Nậm Toóng) với số tiền phạt 25 triệu đồng vì hành vi đổ chất thải rắn thông thường (đất, đá) không đúng vị trí bãi thải quy định, gây ô nhiễm môi trường.

 
Thủy điện Nậm Toóng

Chưa nói đến những tác động tiềm ẩn, khó thấy đối với môi trường, tác động nhãn tiền ở các công trình thủy điện này thực sự đang làm xấu đi hình ảnh một địa danh du lịch vàng của Việt Nam.

Đánh đổi giữa du lịch và thủy điện?

Ở một địa danh du lịch nổi tiếng như Sa Pa, thì vấn đề môi trường, cảnh quan có liên hệ mật thiết tới cuộc sống, sinh kế của người dân, đặc biệt là khi du lịch là một trong những nguồn thu quan trọng của địa phương.

Năm 2009, thu nhập từ du lịch của huyện Sa Pa đạt 276 tỷ đồng. Trong Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ huyện, thì năm 2010, dự kiến ngành du lịch của huyện sẽ mang lại cho địa phương 365 tỷ đồng.

Không chỉ mang lại nguồn lợi nhuận cho địa phương, khi Du lịch Sa Pa hút khách, cũng đồng nghĩa với việc hình ảnh Việt Nam trong mắt du khách quốc tế được nâng cao.

Tuy nhiên, thế mạnh du lịch của Sa Pa đã phần nào bị tác động tiêu cực từ những hệ quả tất yếu và đáng tiếc khi phát triển thủy điện. Cụ thể nhất, với 3 thủy điện mọc gần nhau, con suối Mường Hoa xã Bản Hồ đang dần mất đi vẻ đẹp hút khách, đường vào suối nước nóng Lave cũng trở nên nguy hiểm hơn. Đây chính là nguyên nhân khiến lượng khách du lịch cộng đồng đột ngột giảm ở đây. 

Ông Đào Đức Khuyên, Phó Ban Quản lý Du lịch cộng đồng thôn Bản Dền cho biết, theo thống kê, qua 6 tháng đầu năm 2010, lượng khách du lịch ở Bản Hồ giảm hơn 10 lần so với cùng kì các năm trước.

Bà Vàng Thị Nhính, chủ sở hữu một bể tắm suối nước nóng phục vụ du khách ở thôn Bản Dền cũng than thở: “Từ đầu năm, rất ít người đến thăm suối nước nóng Lave, trong khi năm trước thì rất tấp nập”. 

Theo ông Phan Văn Cuơng – Phó giám đốc Sở Công thương Lào Cai, thì các công trình thủy điện ở huyện Sa Pa cho tổng công suất dự kiến khoảng 100MW theo quy hoạch, đóng góp cho ngân sách ước khoảng 3 trăm tỷ đồng/năm.

Đây là con số có thể quy hoạch, có thể tính toán. Còn những nét đẹp mà tạo hóa ban tặng Sa Pa có thể mất đi vì thủy điện liệu có thể quy ra thành con số nào?