ĐBSCL: Quy hoạch thủy lợi ứng phó BĐKH

ThienNhien.Net – Là vùng kinh tế hàng hóa nông sản lớn nhất nước, là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản, nhưng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã, đang và sẽ phải chịu những hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu. Đó là thực tế dẫn tới sự ra đời của đề án quy hoạch tổng thể thủy lợi nhằm đảm bảo an ninh lương thực, đời sống và nước sinh hoạt cho 17,2 triệu dân ĐBSCL.


Theo Nông Nghiệp Việt Nam 30/08, với nhiệm vụ chính là thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH và đảm bảo an ninh lương thực, bản quy hoạch đã đề xuất các giải pháp cung cấp nước ngọt, nước mặn ổn định, bền vững cho khoảng 700.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ và ngọt. Bên cạnh đó là các giải pháp chống xói lở, bồi lắng, bảo vệ nguồn nước, với các chương trình và dự án theo kế hoạch 5 năm (2010 – 2020) và 10 năm (2020 – 2050).

Mới đây, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quy hoạch thủy lợi ĐBSCL ngày 27/08, ông Nguyễn Ngọc Anh, quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam – cơ quan soạn thảo bản quy hoạch này – đã khẳng định, quy hoạch nhằm hạn chế mặn xâm nhập trên 1,4 – 1,6 triệu héc-ta vùng ven biển các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh… và cải thiện tình trạng thiếu nước ngọt trên khoảng 2 triệu héc-ta của Đồng bằng.

Dự kiến, bản quy hoạch tổng thể thủy lợi sẽ có tác động rất lớn đến đời sống, kinh tế – xã hội của cả khu vực ĐBSCL, được hoàn thành vào tháng 10/2010 để trình Chính phủ.