Minh bạch hóa quyền tiếp cận thông tin

ThienNhien.Net – Quyền tự do tiếp cận thông tin đối với các dự án phát trỉên ngày càng được chú trọng, bởi sự thiếu minh bạch, công khai về thông tin dễ gắn với sự quan liêu, tùy tiện trong quá trình thực thi của các nhà đầu tư, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dân và môi trường, xã hội. Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện Chính sách tiếp cận thông tin của Ngân hàng Thế giới được xem là động thái quan trọng, góp phần nâng cao ý nghĩa của các dự án phát triển, tạo thêm cơ hội tham gia cho cộng đồng và các tổ chức xã hội.

Từ năm 1985, Ngân hàng Thế giới đã có những hướng dẫn nhân viên về công khai thông tin, đến năm 1993, Chính sách công khai thông tin đầu tiên được hình thành, thành lập ra 3 trung tâm thông tin công cộng tại Washington, Tokyo và Paris. Trong các năm 2001, 2003 và 2005, Chính sách này tiếp tục được mở rộng và gần đây được bổ sung, sửa đổi thành Chính sách tiếp cận thông tin.

Chính sách mới được Ban Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới thông qua tháng 11/2009 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2010. Từ việc chỉ công bố một số thông tin nhất định, Chính sách này đã thay đổi căn bản sang cách tiếp cận mới là cung cấp tất cả thông tin cho công chúng, ngoại trừ một số ít thông tin trong danh sách ngoại lệ.

Danh sách 10 ngoại lệ (những thông tin không công bố)

Thông tin cá nhân
– Thư từ trao đổi của các văn phòng Giám đốc điều hành
– Kỷ yếu của Ủy ban Đạo đức
– Thông tin về quan hệ Luật sư – Khách hàng
– Thông tin an ninh và an toàn
– Thông tin hạn chế theo các chính sách công khai thông tin riêng và các thông tin điều tra khác
– Thông tin do các quốc gia thành viên hoặc bên thứ ba cung cấp trên cơ sở thông tin mật
– Các thông tin quản lý hành chính của Ngân hàng
– Các thông tin dự thảo
– Thông tin tài chính

Riêng “Các thông tin dự thảo”“Thông tin tài chính” sẽ được phân loại lại theo mốc thời gian 5 – 10- 20 năm, tức sau khoảng thời gian này, hai loại thông tin có thể được cân nhắc công khai ở mức độ nhất định.

Với chính sách công khai thông tin cũ, công chúng chỉ biết tới các thông tin về Các chiến lược hỗ trợ quốc gia; Các báo cáo kinh tế và ngành; Tài liệu thẩm định dự án/Tài liệu chương trình; Báo cáo tháng về các khoản vay và tín dụng, Tài liệu chiến lược giảm nghèo.

Nhưng chính sách mới đã tăng thêm quyền cho người dân, giúp họ tiếp cận dễ dàng với các thông tin liên quan đến: Một phần của Báo cáo Tình hình và kết quả thực hiện dự án; Tài liệu thông tin dự án tóm tắt những quyết định quan trọng của Giai đoạn hình thành và thẩm định dự án; Biên bản (tóm tắt) các cuộc họp Ban Thống đốc và kết luận các cuộc họp Ban Thống đốc.

Đồng thời với việc tối đa hoá khả năng truy cập thông tin, chính sách mới của Ngân hàng cũng đảm bảo tôn trọng thông tin mật liên quan đến khách hàng, cổ đông, nhân viên và các bên liên quan.

Bà Trần Kim Chi, Cán bộ Thông tin của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết với Chính sách mới quy trình và thủ tục công khai, tiếp nhận, xử lý thông tin nhanh hơn, rõ ràng hơn, khả năng tiếp cận thông tin là tối đa. Đặc biệt, công dân có quyền kháng nghị nếu thấy yêu cầu cung cấp thông tin được xử lý chưa thỏa đáng. 

Đáng lưu ý, Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra đặc quyền trong một số trường hợp rất ngoại lệ. Theo đó, Ngân hàng sẽ công khai những thông tin nằm trong danh mục thông tin hạn chế không được công khai, và ngược lại, Ngân hàng có thể sẽ hạn chế sự tiếp cận tới thông tin mặc dù những thông tin này nằm trong danh mục thường được công khai cho công chúng.

Không chỉ dừng lại ở mục đích chia sẻ tri thức toàn cầu, sự thay đổi trong chính sách về tiếp cận thông tin của Ngân hàng Thế giới còn được kỳ vọng là phương thức quản lý hữu hiệu, giúp định chế tài chính lớn nhất thế giới này tăng cường minh bạch và chịu trách nhiệm trước cộng đồng. Qua đó, sự tham gia và vai trò của cộng đồng và các tổ chức xã hội sẽ được quan tâm hơn trong các hoạt động và dự án của Ngân hàng.