Mất rừng vì đâu?

ThienNhien.Net – Thời gian gần đây các thảo luận về biến đổi khí hậu tập trung rất nhiều vào nỗ lực Giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng (REDD). Một trong những chủ đề mà các thảo luận tập trung nhiều là nguyên nhân dẫn đến mất rừng. Bài viết dưới đây xin được trình bày một số nguyên nhân chính do tổ chức Proforest của Anh tập hợp từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Trên cơ sở đó tác giả cũng đưa ra một số nhận xét, liên hệ tới bối cảnh ở Việt Nam.

Khai thác gỗ

Có nhiều hình thức khai thác gỗ, có thể là khai thác trắng hoặc khai thác lựa chọn hay còn gọi là tỉa thưa. Tuy nhiên, không phải bất cứ hình thức khai thác trắng hoặc lựa chọn nào cũng đều dẫn đế việc mất rừng và suy thoái rừng. Khai thác có kế hoạch và theo tiêu chuẩn, chẳng hạn theo 10 quy định về Chứng chỉ rừng , chắc chắn sẽ không gây ra tác động lớn đối với rừng.

Mất rừng và suy thoái rừng chỉ thực sự diễn ra khi việc khai thác được thực hiện bừa bãi, không theo quy định và tiêu chí khai thác bền vững. Điều này thường xảy ra đối với việc khai thác gỗ lậu.

Hiểu theo nghĩa rộng, khai thác gỗ lậu diễn ra khi giấy phép khai thác được cấp không hợp pháp, vốn thường liên quan đến nạn tham nhũng. Khai thác gỗ lậu còn được hiểu khi cá nhân hoặc tổ chức khai thác không có giấy phép hợp lệ, hoặc không trả đầy đủ các chi phí theo quy định, hoặc lấy trộm gỗ.

Tại nhiều nơi, khai thác bất hợp pháp diễn ra trên cả quy mô lớn, nhỏ và thường rất khó kiểm soát. Tại một số nước, đặc biệt là ở vùng Châu Phi, khai thác củi và gỗ dùng cho đun nấu và sản xuất than cũng gây ra tình trạng mất rừng và suy thoái rừng.

Tại nước ta, hàng năm Chính phủ vẫn cấp phép cho khai thác khoảng 150.000m3 gỗ từ rừng tự nhiên. Con số này không bao gồm số lượng khai thác từ rừng trồng (khoảng 4 triệu m3/năm). Bên cạnh đó, khai thác gỗ bất hợp pháp vẫn diễn ra thường xuyên, thể hiện qua các con số về vi phạm được thống kê hàng ngày trên trang web của Cục kiểm lâm. Trận lũ lịch sử gần đây cũng đã tiết lộ nhiều điều về nạn khai thác gỗ trái phép khi gỗ lậu tràn về phủ kín một đoạn sông.

Thông thường chúng ta thường mặc định rằng chính việc khai thác gỗ bất hợp pháp dẫn đến mất rừng và suy thoái rừng. Tuy nhiên, liệu có chắc rằng khai thác hợp pháp cũng không phải là nguyên nhân dẫn tới mất rừng và suy thoái rừng?

Tương tự như vậy, khai thác bất hợp pháp có phải là nguyên do duy nhất dẫn tới mất rừng? Quy mô của khai thác bất hợp pháp có tác động ra sao đến hiện trạng rừng hiện nay? Cho đến nay, ở nước ta chưa có một nghiên cứu nào mang tính hệ thống được tiến hành để trả lời các câu hỏi này.

Chuyển đổi rừng thành đồn điền cây công nghiệp và đất nông nghiệp
 
Lợi ích kinh tế thu được từ các trang trại cọ dầu tại Indonesia, Malaysia, Papua New Genue, từ trang trại đậu tương và đồn điền mía tại Brazin hoặc Paraguay đã khiến hàng triệu ha rừng bị mất thông qua việc chuyển đổi sang diện tích cho các loại cây công nghiệp này. Ngoài ra, sự phát triển không ngừng của ngành công nghiệp giấy và bột gỗ cũng là nguyên nhân hy sinh các cánh rừng cho các trang trại cây lâm nghiệp phát triển nhanh như keo ở Đông Nam Á, bạch đàn ở Châu Phi hoặc thông ở Nam Mỹ trên nền các diện tích rừng.

Rừng, đặc biệt là rừng nhiệt đới có sự khác biệt rất lớn về chức năng và dịch vụ sinh thái so với các hệ sinh thái do các cây thuần loài tạo ra, điều này còn chưa kể đến giá trị về đa dạng sinh học.

Tại Việt Nam, đặc biệt là trong thời gian gần đây, hàng vạn hecta đất rừng được gọi là rừng “nghèo kiệt” đã và đang được chuyển sang diện tích trồng cà phê, cao su. Không thể phủ nhận giá trị về kinh tế mà sự chuyển đổi này mang lại, tuy nhiên nếu nhìn từ góc độ chức năng hệ sinh thái và đa dạng sinh học, việc chuyển đổi này đồng nghĩa với việc mất rừng và suy thoái rừng.

Ngoài các đồn điền cây công nghiệp, chuyển đổi đất rừng sang nông nghiệp cũng diễn ra ở quy mô nhỏ. Tại nhiều nơi ở nước ta, các hộ gia đình, đặc biệt là cộng đồng dân tộc, vẫn duy trì tập tục canh tác nương rẫy. Cho đến nay, hình thức này cũng được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc mất rừng và suy thoái rừng. Tuy nhiên, hình thức canh tác nương rẫy gây ra mất rừng và suy thoái rừng chỉ xảy ra khi sức ép về dân số lên đất đai lớn và hỏa hoạn từ việc đốt nương không kiểm soát được. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có các bằng chứng khoa học xác đáng theo cách có hệ thống về quy mô và tác động của hình thức canh tác này do vậy thật khó để kết luận rằng canh tác nương rẫy gây mất rừng và suy thoái rừng.

Chuyển đối rừng trên than bùn sang nuôi trồng thủy sản

Nguyên nhân này thường gặp ở Indonesia. Tại nhiều nơi, rừng phát triển trên nền than bùn được chuyển sang phục vụ nuôi trồng thủy sản. Việc đào ao, kênh mương, hệ thống tưới tiêu không chỉ đơn giản là làm mất phần diện tích rừng chuyển đổi mà còn thúc đẩy việc phát thải các khí như carbon, metan được giữ trong lòng đất ra khí quyển. Đấy là còn chưa kể đến lượng khí phát thải từ việc đốt than bùn.

Bức tranh của Indonesia không khác nhiều so với Việt Nam. Diện tích rừng ngập mặn của nước ta giảm liên tục với tỉ lệ cao cho đến khoảng năm 2000 khi các nỗ lực bảo vệ nguồn tài nguyên rừng ngập mặn được thúc đẩy mạnh mẽ. Cho tới nay, cả nước chỉ còn khoảng 200.000 ha rừng ngập mặn mà một trong những nguyên nhân chính gây ra sự suy giảm nghiêm trọng là việc phá rừng nuôi tôm.

Từ nhận thức rằng lợi ích kinh tế thu được từ việc nuôi tôm là rất lớn (hàng trăm triệu đồng/ha/năm) khi đem so sánh với lợi ích thu được thông qua việc bảo vệ rừng (khoảng 100.000 đồng/ha/năm), rất nhiều ha rừng ngập mặn đã bị người dân “chuyển đổi”. Họ không hề hoặc không muốn nhận ra rằng giá trị của hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển cực là kỳ quan trọng, bởi chúng không chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ hệ sinh thái thông thường, mà còn có chức năng bảo vệ đê biển, từ đó bảo vệ cả hệ thống tưới tiêu bên trong đê biển, bảo vệ hệ canh tác nông nghiệp liên quan và quan trọng hơn rất nhiều là sinh mạng của hàng triệu người dân sống ven đê thông qua chức năng phòng chống sóng biển.

Nếu có thể lượng giá được các chức năng này của hệ sinh thái rừng ngập mặn, chắc chắn lợi ích, kể cả lợi ích kinh tế, thu được từ nuôi tôm không thể sánh với lợi ích của việc duy trì và bảo vệ rừng ngập mặn.

Xung đột về quyền và lợi ích

Quyền và lợi ích là yếu tố quan trọng quyết định tình trạng và chất lượng rừng. Quyền luôn đi kèm với lợi ích. Nhiều quyền đồng nghĩa với nhiều lợi ích và ngược lại. Tại nhiều nơi trên thế giới, sự chồng chéo và xung đột về các quyền khác nhau đối với rừng giữa các nhóm khác nhau là nguyên nhân chính dẫn đến mất rừng và suy thoái rừng.

Mâu thuẫn về quyền giữa cộng đồng và nhà nước là một ví dụ điển hình cho hình thức xung đột này. Các cộng đồng thiểu số tại một số nơi của Indonesia sống dựa vào rừng từ lâu đời nay và họ có những luật tục riêng của mình về việc sử dụng, quản lý đất đai và tài nguyên rừng. Tuy nhiên, các luật tục này không được Chính phủ công nhận và điều này làm nảy sinh mâu thuẫn giữa cộng đồng và Chính phủ. Kết quả là nguồn tài nguyên bị suy thoái do việc sử dụng không hợp lý của cả 2 bên.

Ở nước ta, tài nguyên thiên nhiên bao gồm cả đất đai là sở hữu nhà nước. Xung đột giữa cộng đồng và Nhà nước thường ít xảy ra. Tuy nhiên, hình thức quản lý rừng hiện tại vẫn còn mang tính thiên vị, từ đó dẫn đến bất lợi cho cộng đồng và người dân sống dựa vào rừng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bất lợi đối với nguồn tài nguyên.

Cho tới nay, hầu hết các diện tích rừng tự nhiên có chất lượng đều tập trung dưới sự quản lý của các ban quản lý rừng, các lâm trường quốc doanh hoặc các công ty lâm nghiệp. Người dân và cộng đồng thường được giao những diện tích đất trống hoặc diện tích rừng nghèo.

Trong bối cảnh REDD, nếu duy trì hình thức quản lý rừng như hiện nay, hầu hết lợi ích thu được từ REDD sẽ tập trung vào các ban quản lý, các lâm trường và các công ty. Bên cạnh đó, quyền lợi từ nguồn tài nguyên đối với cộng đồng còn rất hạn chế, bởi cộng đồng chưa được coi là đơn vị có tính cách pháp nhân như các thành phần kinh tế khác.

Để tránh những rủi ro về mất rừng do bất bình đẳng về quyền và lợi ích, Chính phủ cần phải có những bước điều chỉnh về hình thức quản lý rừng hiện tại, nhằm cân bằng lại lợi ích đặc biệt là cho cộng đồng và các hộ dân.

Trên đây là một số nguyên nhân chính gây mất rừng ngoài các nguyên nhân khác như nhu cầu phát triển (thủy điện, khu công nghiệp, khai khoáng…), quản lý, quy hoạch còn chưa hợp lý…. Đối với Việt Nam, dù nguyên nhân là gì, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận một thực tế là nạn phá rừng vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên cả nước, chất lượng rừng đang suy giảm. Và những gì chúng ta cần làm trước mắt vẫn còn rất nhiều, nhất là khi Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và giữ rừng là một trong những giải pháp hiệu quả để giảm nhẹ tác động của thảm họa toàn cầu ấy.