Nhiều cơ sở vi phạm về điều kiện vệ sinh

ThienNhien.Net – Trong Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về điều kiện vệ sinh.


Năm nay, số đợt thanh tra, kiểm tra trong Tháng hành động diễn ra từ 15/04-15/05/2010 cao hơn năm 2009 rất nhiều (3,67 lần).

Trong thời gian trên, các cơ quan chức năng đã thành lập 19.505 đoàn thanh, kiểm tra 210.062 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm. Qua đó, đã phát hiện hơn 52.000 cơ sở không đạt yêu cầu về ATVTSTP.

Ngày 27/07, tại buổi họp báo về kết quả Tháng hành động, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, vi phạm thường gặp nhất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm là điều kiện vệ sinh với tỷ lệ 40-50% số cơ sở vi phạm.

Theo ông Phong, các điều kiện vệ sinh khá chi tiết, cụ thể với cả trăm tiêu chí như khoảng cách trần nhà ra sao, sàn nhà lát chất liệu gì, hệ thống thoát nước lắp đặt thế nào v.v…. Chỉ cần không đáp ứng 1 tiêu chí là cơ sở đó vi phạm điều kiện vệ sinh.
Vi phạm thường gặp thứ 2 là vi phạm về quy định công bố tiêu chuẩn thực phẩm (tỷ lệ vi phạm khoảng 20%), sau đó là các vi phạm như ghi nhãn thực phẩm (20-25%), quảng cáo thực phẩm (25-30%), không tập huấn kiến thức hay tập huấn không đầy đủ (30-35%).

Trong Tháng hành động với chủ đề “Giữ vững cam kết về trách nhiệm của doanh nghiệp với ATVSTP”, các đoàn kiểm tra liên ngành cũng chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các loại thực phẩm có nguy cơ cao như sữa và sản phẩm chế biến từ sữa, bánh kẹo, nước uống đóng chai, kem, đá, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, cá và sản phẩm chế biến từ cá…

Chủ đề của Tháng hành động năm nay bắt nguồn từ thực tế một số doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận mà quên đi nghĩa vụ đảm bảo chất lượng ATVSTP đối với cộng đồng và xã hội.

Các vụ việc như sản xuất nguyên liệu làm mứt bị ô nhiễm, nhập khẩu phủ tạng động vật không đảm bảo chất lượng, chế biến mỡ động vật kém chất lượng, thực phẩm nhiễm RodaminB…. là minh chứng rõ cho điều này.

Theo Cục ATVSTP, trong 6 tháng đầu năm (tính tới 25/06/2010) cả nước xảy ra 88 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.929 người mắc, 32 trường hợp tử vong.

Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, từ nay đến cuối năm, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tiến hành các đợt thanh, kiểm tra, đảm bảo ATVSTP cho dịp Trung thu, mùa bão lũ, các sự kiện lớn như kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Bên cạnh đó, Cục ATVSTP sẽ tập trung vào hoàn thiện chính sách, sớm xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật ATVSTP vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực vào ngày 01/07/2011. Ngoài ra, công tác hậu kiểm cũng được đẩy mạnh. Việc quản lý quảng cáo về thực phẩm sẽ được siết chặt hơn.