No điện, đói đất

ThienNhien.Net – Đã mấy năm trôi qua kể từ ngày nhà máy thuỷ điện Ya Ly và Plei Krông đóng đập tích nước, song đến nay công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải quyết đất sản xuất do ngập lòng hồ cho người dân vẫn còn nhiều tồn tại. Ở các khu tái định cư thủy điện và các làng bản lân cận, người dân đang đối mặt với tình trạng thiếu đất sản xuất, nguy cơ đói nghèo, đặc biệt là hiện tượng tái nghèo gia tăng.


Đến huyện Sa Thầy (Kon Tum) một ngày cuối mùa khô, cái nắng nóng thiêu đốt giăng mắc khắp các bản làng không thể ngăn niềm vui được chứng kiến những đổi thay tích cực của huyện biên giới này. Con đường đến xã nay đã bon bon, xe cộ lưu thông và hàng hoá san sát hai bên đường, đời sống người dân địa phương đã có bước phát triển, không còn cảnh một chiếc xe ô tô đi qua hơn chục em nhỏ chạy ra xem “con trâu sắt” của 3 năm về trước.

Mừng vui, nắm chặt tay chúng tôi như người thân lâu ngày gặp lại, ông Nguyễn Văn Lộc – Phó Chủ tịch UBND huỵên Sa Thầy thổ lộ: Thời gian gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Đảng Nhà nước, đời sống của người dân địa phương ngày càng được cải thiện. Điện, đường, trường, trạm đã có đủ, là cơ sở để bà con phát triển sản xuất, giao thương hàng hoá, không còn cảnh hạt lúa, hạt bắp, củ sắn của bà con làm ra, ăn không hết chỉ để nấu rượu, hoặc cho con heo, con bò ăn, nhưng đến mùa giáp hạt lại thiếu đói. Dẫu vậy, điều mà chúng tôi băn khoăn và quan ngại nhất hiện nay là số bà con ở khu tái định cư của công trình thuỷ điện Plei Krông và công trình thuỷ điện Ya Ly thiếu đất sản xuất, bà con kiến nghị rất nhiều lần, cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng đã tổng hợp tình hình và báo cáo lên trên, đề nghị giải quyết, nhưng xem ra vẫn rất khó khăn.

Hơ Moong – điểm đến không mong đợi

Xã Hơ Moong (Sa Thầy) được thành lập theo Nghị định 28/2006/NĐ-CP, ngày 22.3.2006 của Chính phủ là chốn nương thân của bà con tái định cư công trình thuỷ điện Plei Krông. Toàn xã có 890 hộ với hơn 4.357 khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 80% (chủ yếu dân tộc Rơ Ngao).

Khi bà con về với “miền quê mới”, được dự án thuỷ điện Plei Krông cấp một căn nhà cấp 4 diện tích 60m2, giếng nước sinh hoạt, công trình vệ sinh, trên tổng diện tích đất ở khoảng 400m2. Đã có 658 hộ được chia đất sản xuất với định mức nhận từ 1,0 đến 1,2 ha/hộ.

Đất ở đã có, nhưng theo văn hoá vùng Bắc Tây Nguyên, bà con thích dùng nước giọt hơn nước giếng, nhà trước không được dùng công trình vệ sinh đối diện với nhà sau, sân nhà phải rộng để con heo, con gà… có nơi “đi chơi”… Tuy nhiên, khu tái định cư thuỷ điện Plei Krông không đáp ứng đựơc yêu cầu đó nên đến nay nhiều công trình vệ sinh đã bị đập bỏ, nhiều hộ gia đình sau khi đến nơi ở mới được một hai tháng đã bỏ về chốn cũ.

Theo báo cáo tháng 3/2010 của Ủy ban Nhân dân Huyện Sa Thầy, tại xã Hơ Moong có 68 hộ chưa được chia đất sản xuất, 15 hộ đã được chia đất nhưng bị tranh chấp do Ban Quản lý Dự án Thủy điện 4 chưa làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; 106 hộ đã được chia đất nhưng bị tranh chấp chưa sản xuất được.

Chưa hết khó khăn, đối với đất khai hoang làm ruộng nước được giao 54ha cho 651 hộ dân chỉ có 33 ha sản xuất lúa nước 2 vụ. Số diện tích còn lại vì thiếu nước tưới chỉ sản xuất được một vụ cạn. Vụ đông xuân năm 2009 nhân dân đưa vào sản xuất 32ha nhưng bị hạn hán thiếu nước mất trắng 17ha.

Không giấu được nỗi buồn trên khuôn mặt hốc hác sau nhiều ngày đêm lo lắng mất ngủ, ông A Sinh ( 57 tuổi, dân tộc Hà Lăng) cho chúng tôi biết: “Gia đình mình từ làng K’Tu về ở đây đã hơn 2 năm. Những ngày đầu có tiền Nhà nước đền bù thì sống được, hơn một năm nay thiếu đói. Cái đói đến từ nhiều phía, về từ nhiều hướng, nhưng cơ bản nhất là do thiếu đất sản xuất. Ở làng Ktu, gia đình mình có trên 4 ha đất trồng mì, gần 2 ha đất trồng lúa, bắp… lên đây chỉ được cấp hơn 1 ha đất, lại xa nhà, đi làm khổ cực lắm, nhưng cuối vụ thu về chẳng được bao nhiêu.”

Đã thế, hạt gạo, cái bắp lại chưa phải nỗi lo thiết thân duy nhất của bà con. Ông A Sinh tâm sự: “Đất sản xuất thì thiếu đã đói, đã khổ; nhưng hạt gạo, hạt bắp làm ra không có cái để nấu chín mà ăn lại càng khổ hơn. Rừng núi xung quanh đã bị dự án san bằng lấy đất cấp cho dân, rừng ở phía xa xa – vừa nói ông vừa chỉ tay về hướng núi mù mịt trong sương – thì một số bị lâm tặc tàn phá, còn một số thì bị bà con mình tiến vào chặt, đốt, chọc, tỉa nên không còn chỗ nhặt củi mà nấu ăn. Rừng núi, tài nguyên cạn kiệt, con chim, con chồn, con hoẵng…cũng tìm đi nơi ở mới xa lắm… Đến khi mấy đứa cháu lớn lên chắc bọn nó chỉ thấy chúng qua tranh ảnh và lời kể của ông bà như là chuyện cổ tích…” – Nói xong, ông Sinh buồn lòng cúi mặt xuống đất như cầu Yang cho dân làng thêm đất, thêm cây, để con thú tìm về trú ngụ…để con người không lẻ loi trước thiên nhiên…

Sa Bình – xã “dính” 2 công trình thủy điện

Dời Hơ Moong, chúng tôi đến xã Sa Bình, vùng đất được người dân mệnh danh là nơi “xưa dân đói, nay lại càng đói”, “xưa rừng nhiều, nay lại thiếu lá cây”…

Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Minh Thuận – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trên địa bàn huyện Sa Thầy có hai công trình thuỷ điện xây dựng và đã đi vào hoạt động là Ya Ly và Plei Krông. Hàng nghìn ha diện tích đất của nhân dân trong vùng dự án bị thu hồi phần lớn thuộc đất trồng lúa nước, hồ nuôi cá, đất nương rẫy, đất trồng cây lâu năm, đất có rừng của người dân địa phương. Ban đầu nghe cán bộ dự án nói về chuyện cấp đất sản xuất, xây nhà tái định cư, trường học bệnh xá, nhà rông văn hoá… bà con rất mừng, nhưng bây giờ khi nhà máy đã phát điện mà đất sản xuất của dân vẫn còn thiếu, dân buồn lắm. Nước dâng lên, đất trồng cây không có, rừng bị thu hẹp, bà con kiếm cái ăn lại khó hơn, bồ thóc trong nhà cạn dần, đi đâu chúng tôi cũng nghe bà con nói chuyện đất, rừng…”

Chuyện thiếu đất sản xuất, người dân và chính quyền địa phương bức xúc phản ảnh nhiều lần với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND các cấp. UBND huỵên Sa Thầy cũng đã đề nghị chủ dự án khẩn trương hỗ trợ khai hoang để cấp đất sản xuất cho bà con dân tộc thiểu số, nhưng vẫn chưa được đáp ứng.

 

Cây rừng bị chặt phá để làm nương rẫy ở Sa Thầy

”Vì không có đất sản xuất, không ít người dân đã trở thành đối tượng lâm tặc bất đắc dĩ, càng gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương. Điển hình như trường hợp ông A Pút, ông A Ýot ở làng Khúc Na (xã Sa Bình), không có đất sản xuất, tự ý xâm canh đất rừng đã bị toà án tuyên phạt 3 tháng tù… ” – Ông Thuận cho biết trên đường dẫn chúng tôi về làng Khúc Na, nơi mỗi năm có đến 90% số hộ thiếu đói mùa giáp hạt.

Sinh sống ở làng Khúc Na nhiều năm, nhưng gia đình ông A Chiêm và gia đình ông A Chinh – thôn trưởng vẫn không thể khai hoang thêm một tấc đất trồng trọt nào. Khi mới xuống làng (trước năm 1975 bà con người Hà Lăng sống trên những ngọn núi cao, đến năm 1976 được chính quyền vận động bà con mới về làng mới bây giờ) bà con trong làng hăng hái khai hoang đất trồng lúa, nhưng được hai, ba năm do địa hình đồi dốc cao, không thích nghi với cây lúa, nên một số diện tích được bà con chuyển qua trồng cây mì, nhưng cây mì trồng ba năm là đất không còn “cái ăn”, trồng cây gì cũng không lên được.

Dân đã khổ vì thiếu đất sản xuất, nhưng đến khi thuỷ điện mọc lên đã “nuốt nốt” những vùng đất còn lại, thì chuyện đói khổ là không tránh khỏi. Để sinh sống dân làng loay hoay tìm đủ nghề mưu sinh, đa số bà con phải đi làm thuê và lên rừng săn con thú, hái trái ươi, cắt bông đót đêm về bán lấy tiền…

Hai công trình thuỷ điện Pleikrong và Ya Ly đã xây dựng xong và đưa vào vận hành cũng đã nhiều năm, song lời than “thừa cái điện, thiếu đất sản xuất” vẫn được bà con nhắc đến như một điệp khúc. Không biết đến bao giờ người dân Sa Thầy nói riêng và người dân Tây Nguyên nói chung mới tìm được kết quả lời hứa “đảm bảo đất sản xuất…” của cán bộ các dự án?