Hoàn thiện khung pháp lý phòng, chống tội phạm môi trường

ThienNhien.Net – Trong quá trình phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường, cơ quan chuyên trách được áp dụng các biện pháp khẩn cấp, tạm thời như tạm đình chỉ hoạt động có liên quan trực tiếp đến việc gây ô nhiễm môi trường; niêm phong hoặc tạm giữ, thu giữ tài sản, đồ vật, phương tiện vi phạm …


Đây là một trong những nội dung chính của Nghị định 72/2010/NĐ-CP về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường vừa được Chính phủ ban hành.

Sử dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại để phát hiện vi phạm

Nghị định nêu rõ, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, nhanh chóng và có hiệu quả.

Trong quá trình phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường, cơ quan chuyên trách sẽ sử dụng khoa học và công nghệ, phương tiện kỹ thuật để theo dõi, giám sát, thu thập thông tin về hoạt động của các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và phát hiện các các công cụ, phương tiện, cách thức vi phạm pháp luật về môi trường.

Ngoài ra, bố trí người thâm nhập, tìm hiểu các hoạt động phạm tội về môi trường để phát hiện thông tin, tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến tội phạm và người phạm tội về môi trường. Kiểm tra chỗ ở, nơi làm việc, phương tiện giao thông và các địa điểm khác có liên quan mà những người có dấu hiệu phạm tội về môi trường sử dụng để thu thập thông tin, tài liệu, công cụ, phương tiện có liên quan đến tội phạm về môi trường.

Cơ quan chuyên trách cũng có quyền thu giữ mẫu vật, các tài liệu, vật chứng liên quan đến vi phạm pháp luật để kiểm định; yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, tài sản, đồ vật khi có căn cứ xác định liên quan đến tội phạm và vi phạm khác về môi trường; được quyền kiểm tra, đình chỉ các hoạt động liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường khi có đủ căn cứ theo quy định của pháp luật.

Thành lập cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về môi trường ở 3 cấp

Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường đặt dưới sự chỉ đạo tập trung nhất của Chính phủ; Bộ Công an giúp Chính phủ quản lý nhà nước về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường.

Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường được thành lập ở Bộ Công an, Công an cấp tỉnh và Công an cấp huyện. Tổ chức bộ máy chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan chuyên trách ở từng cấp do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

Nhà nước có chính sách ưu tiên cho Bộ Công an tuyển chọn cán bộ, chuyên gia giỏi để phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường và cử người đủ tiêu chuẩn đi học tập, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Nhà nước đảm bảo trang bị cho cơ quan chuyên trách các loại phương tiện nghiệp vụ và các công cụ hỗ trợ gồm các phương tiện kỹ thuật để phát hiện, thu thập, lưu trữ thông tin, tài liệu, mẫu vật; phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện giao thông;…Nâng cấp Trung tâm Kiểm định Môi trường thuộc Bộ Công an đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Nghị định quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường đó là chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức phòng, chống tội phạm và vi phạm về pháp luật khác về môi trường; tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường; tiến hành một số hoạt động điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường trong trường hợp do mình phát hiện hoặc do các cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển đến theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm phát hiện, cung cấp, chuyển giao kịp thời cho cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường, cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền các tin báo, tố giác và các thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường…

Kinh phí phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường được Nhà nước đảm bảo từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hàng năm giao cho Bộ Công an; từ nguồn kinh phí chi sự nghiệp môi trường hàng năm và trích từ tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường và truy thu phí môi trường do lực lượng Công an phát hiện xử lý.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2010.