Nan đề đầu tư cho phát triển năng lượng Việt Nam

ThienNhien.Net – Trong những năm qua, phát triển năng lượng ở Việt Nam đã được chú trọng nhiều hơn, tuy nhiên nguồn vốn đầu tư vẫn còn là vấn đề nan giải. Bàn về vấn đề này, ngày 07/07 vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Trung tâm Tư vấn Năng lượng Việt Nam, Trung tâm Thông tin Năng lượng Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về "Giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư phát triển năng lượng Việt Nam".


Tại đây, hầu hết các đại biểu cho rằng, ngành Năng lượng về cơ bản đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, an ninh năng lượng của nước ta vẫn chưa thực sự hoàn thiện do thường xuyên xảy ra hạn hán kéo dài và tác động xấu của thị trường năng lượng thế giới.

Mặt khác, nhằm thực hiện tốt quy hoạch chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020, tầm nhìn đến năm 2050, chúng ta cần đưa ra các giải pháp huy động vốn đầu tư cho phát triển ngành Năng lượng Việt Nam

Theo chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, trong những năm tới đây sẽ chuyển mạnh các ngành điện, than, dầu khí sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước. Mục tiêu của chiến lược là sẽ hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh giai đoạn sau năm 2022; hình thành thị trường kinh doanh than, dầu khí trong giai đoạn từ nay đến năm 2015.

Cụ thể, ngành Năng lượng sẽ phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó sẽ mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực và thế giới trong việc tìm kiếm, thăm dò và khai thác than, dầu khí và các dạng năng lượng khác ở nước ngoài để bổ sung nguồn năng lượng thiếu hụt trong nước.

Ngoài ra, ngành Năng lượng cũng phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo lên khoảng 3% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010; khoảng 5% vào năm 2020 và khoảng 11% vào năm 2050.

Chiến lược cũng hướng tới xây dựng các mục tiêu, tiêu chuẩn dài hạn về môi trường theo hướng thống nhất với tiêu chuẩn môi trường khu vực và thế giới, phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước, kiểm soát và giảm nhẹ ô nhiễm môi trường trong các hoạt động năng lượng; phấn đấu đến năm 2015 tất cả các công trình năng lượng phải đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào đã nhấn mạnh việc đầu tư phát triển các ngành Năng lượng là vô cùng cần thiết vì trong tương lai những tài nguyên như than, dầu khí… không phải là vô tận trong khi đó nguồn vốn và ngân sách Nhà nước cũng có hạn. Vì vậy, mỗi ngành đều phải có những giải pháp riêng. Phát triển năng lượng phải đi trước một bước, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề, đòi hỏi công nghệ phức tạp mang tính đặc thù cao, nguồn đầu tư rất lớn. Do đó, việc thu xếp nguồn vốn đầu tư cho phát triển năng lượng được xem là vấn đề tiên quyết và phải có giải pháp trước tiên để các dự án năng lượng khi đã được khẳng định về nguồn vốn sẽ là cơ sở để triển khai thành công các bước đầu tư.