Thủy điện Mê Kông – nỗi lo hạ nguồn

ThienNhien.Net – Bên cạnh các đập lớn đã xây dựng trên thượng nguồn phía Trung Quốc, kế hoạch phát triển 12 đập thuỷ điện trên dòng chính sông Mê Kông ở Lào và Campuchia đã và đang dấy lên những quan ngại về tác động kinh tế, xã hội và môi trường của cả lưu vực, đặc biệt là vùng hạ nguồn gồm Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Đây cũng là vấn đề đã được các quốc gia trong lưu vực thảo luận tại Hội thảo Đánh giá môi trường chiến lược phát triển thuỷ điện (ĐMC) trên dòng chính sông Mê Kông do Uỷ hội sông Mê Kông và Uỷ ban sông Mê Kông Việt Nam phối hợp tổ chức trong hai ngày 28 và 29/06/2010 tại Tp Hồ Chí Minh.


Theo yêu cầu của Hiệp định Mê Kông 1995, trước khi ra quyết định triển khai các dự án phải có sự trao đổi, tham vấn và đối thoại giữa các quốc gia liên quan; Uỷ hội sông Mê Kông (MRC) chịu trách nhiệm hỗ trợ và thúc đẩy các quá trình thảo luận quốc gia.

Hội thảo tham vấn các bên liên quan trong khu vực về Đánh giá các chiến lược phòng chống, giảm thiểu tác động (tiêu cực) và tăng cường lợi ích của các đề xuất phát triển thuỷ điện nói trên nằm trong giai đoạn 4, cũng là lần tham vấn cuối cùng của tiến trình ĐMC, tiếp theo các hội thảo trước đó về Xác định phạm vi đánh giá (2009), Đánh giá cơ sở (2009) và Đánh giá cơ hội và rủi ro (2010).

Gần 100 đại biểu đại diện cho cơ quan chính phủ, các nhà khoa học, các nhà tài trợ và tổ chức phi chính phủ từ Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đã tham dự hội thảo.

Báo cáo tại hội thảo, nhóm chuyên gia tư vấn quốc tế của MRC đã trình bày kết quả đánh giá về tác động, cơ hội và rủi ro cũng như khả năng đóng góp của các dự án thuỷ điện cho sự phát triển của từng quốc gia trong khu vực, bao gồm cả phân phối chi phí và lợi ích thụ hưởng đối với từng quốc gia về phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Những thay đổi và tác động chiến lược do thuỷ điện dòng chính có thể gây ra đối với năng lượng điện, các hệ thống kinh tế, chế độ thuỷ văn và phù sa, hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái thuỷ sinh, nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, các hệ thống xã hội, vận tải thuỷ và biến đổi khí hậu…đã được nhận diện và phân tích.

Với vị trí cuối nguồn sông Mê Kông, các đánh giá ĐMC cho thấy Việt Nam có thể là quốc gia được hưởng lợi ít nhất từ phát triển thuỷ điện trên dòng chính, song lại phải chịu nhiều rủi ro nhất do tác động làm thay đổi dòng chảy, chế độ thuỷ văn, phù sa, ảnh hưởng sâu rộng đến sản xuất nông nghiệp và nghề cá.

Theo tính toán, các dự án thuỷ điện nói trên chỉ có thể đảm bảo cung cấp cho Việt Nam khoảng 16% nhu cầu điện năng tăng thêm hàng năm của Việt Nam từ năm 2025 qua các hợp đồng mua bán điện. Tuy nhiên, tác động tiêu cực và rủi ro lâu dài khó dự đoán có thể ảnh hưởng đến xã hội và đời sống của hàng triệu người dân sống dựa vào tài nguyên thiên nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long. Vấn đề an ninh lương thực có thể trở thành thách thức ở cả địa phương, quốc gia và quốc tế khi đây là vùng tạo ra sản lượng lúa đủ nuôi sống khoảng 100 triệu người như hiện nay.

Một số ý kiến cho rằng dự án thuỷ điện đề xuất như Strung Treng và Sambor ở Campuchia có thể chứa đựng nhiều rủi ro kinh tế, xã hội và môi trường nhất đối với Việt Nam.

Trong chương trình Hội thảo, nhóm đại biểu của từng quốc gia cũng đã thảo luận về các giải pháp có tính chiến lược nhằm tránh và giảm thiểu tác động tiêu cực, tăng cường lợi ích theo các phương án giả định: (1) Sẽ không xây dựng dự án thuỷ điện nào trên dòng chính nữa; (2) Trì hoãn quyết định xây dựng các dự án thuỷ điện đến 5-10 năm sau, cho đến khi có các nghiên cứu và đánh giá đầy đủ; (3) Lựa chọn xây dựng một số dự án thủy điện thí điểm theo một lộ trình xác định để đề phòng và ứng phó với các rủi ro chưa xác định; và (4) Tiến hành xây dựng cả 12 nhà máy thủy điện tuỳ theo khả năng và sự sẵn sàng của các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Kết quả thảo luận này sẽ tạo thêm nguồn thông tin tham vấn quốc gia cho báo cáo ĐMC, nhằm giúp các bên có trách nhiệm cân nhắc trong quá trình ra quyết định phát triển thuỷ điện trên dòng chính. Các báo cáo ĐMC sẽ được Uỷ hội sông Mê Kông công bố sau khi hoàn thành.