Ghi nhận gà lôi hồng tía ở Phong Nha – Kẻ Bàng

ThienNhien.net – Ngày 15/06, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết, nhờ phương pháp bẫy ảnh tự động (camera trap), các đợt nghiên cứu thực địa trong hai tháng 5 và 6 vừa qua đã ghi nhận một quần thể gà lôi hồng tía (<i>Lophura diardi</i>) quý hiếm.


Gà lôi Hồng tía thuộc nhóm IB – nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, nằm trong Sách Đỏ thế giới và Việt Nam, thuộc họ Trĩ (Fasianidae), con trưởng thành có thể hơn 1kg. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thu được hình ảnh của chúng trong tự nhiên.

Tần suất các máy ảnh thu được hình của loài này là khá cao. Nhóm nghiên cứu đã đặt ba máy ở các vị trí khác nhau trên tuyến điều tra dài khoảng 5km, các máy đều ghi nhận được hình ảnh hoạt động của đàn. Như vậy, có thể nói là số lượng và mật độ của loài khá lớn.

Được biết, Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng là nơi trú ngụ của rất nhiều loài chim quý thuộc họ Trĩ (Fasianidae) nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và được Nghị Định 32/2006/NĐ-CP bảo vệ như Công (Pavo muticus), Trĩ Sao (Rheinardia ocellata), gà lôi trắng Berli (Lophura nycthemera berliozi), gà lôi Lam mào đen (Lophura imperialis), gà lôi Lam đuôi trắng (Lophura hatinhensis)…

Những loài này thường có kích thước cơ thể lớn, có giá trị khoa học, thương mại. Hầu hết chúng đều có tập tính kiếm ăn dưới mặt đất và thích sống ở những khu rừng thứ sinh nên có nguy cơ đe dọa rất cao do nạn bẫy bắt.

Kết quả trên xuất phát từ việc triển khai đề tài: “Điều tra thành phần và số lượng các loài chim thuộc họ Trĩ ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng” do Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Cứu hộ VQG Phong Nha – Kẻ Bàng thực hiện.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã tiến hành các hoạt động: xác định thành phần loài, số lượng cá thể và mật độ quần thể, vùng phân bố theo sinh cảnh, những đe dọa, tác động đến các loài chim trong họ Trĩ, các giải pháp quản lý bảo tồn loài chim quý này.