Được thuỷ điện, mất rừng

ThienNhien.Net – Trên hệ thống sông Sê San hiện có hàng chục công trình thuỷ điện lớn nhỏ, trong đó có nhiều thuỷ điện lớn như Ia Ly, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4, Plei Krông…với tổng diện tích lòng hồ lên đến hàng trăm ngàn ha. Ngoài việc phải hy sinh nhiều ha rừng cho các công trình này, ít ai ngờ tới một hệ lụy là ở nhiều công trình thuỷ điện, sau khi tích nước, lâm tặc đã lợi dụng đường thuỷ tấn công vào rừng. Thực tế diễn ra ở công trình thuỷ điện Sê San 4, giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum trong thời gian vừa qua là một ví dụ điển hình.


Lâm tặc “du thuỷ thượng sơn”

Thuỷ điện Sê San 4 (công suất 360MW) nằm ở bậc thang áp chót trong các bậc thang thuỷ điện trên sông Sê San, trước khi chảy ra khỏi địa phận Việt Nam đổ vào Campuchia. Trước khi có công trình thuỷ điện, vì lưu vực sông này có độ dốc cao, hai bên là sườn núi dựng đứng gần sát khu vực biên giới nên các đối tượng khai thác gỗ và các loại lâm sản khó có đường đột kích vào rừng.

Tháng 8-2009 khi lòng hồ Sê San 4 tích nước, mặt nước dâng cao, lòng hồ mở rộng đến 4.800 ha. Bờ hồ bên trái đập phía huyện Ia Grai, Gia Lai kéo dài hơn 40km khá đông dân cư trú; bờ hồ bên phải thuộc xã biên giới Mô Ray huyện Sa Thầy-Kon Tum là những cánh rừng đại ngàn với trữ lượng gỗ khá lớn lại có nhiều khe suối nước men theo đó dâng cao.

Lợi dụng việc này, bọn lâm tặc đã đóng thuyền, thuê dân địa phương vượt lòng hồ vào rừng cắt gỗ rồi kéo về bờ trái tiêu thụ trước sự bất lực, đôi khi là sự làm ngơ của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Lãnh đạo Công ty Đầu tư phát triển Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Sa Thầy, đơn vị được giao quản lý hàng chục ngàn ha rừng khu vực huyện Sa Thầy cho biết: Sau khi đóng đập, tích nước chỉ còn lại một con đường duy nhất đi vào khu vực Sê San là qua cầu Sê San 4 nên tất cả các phương tiện đường bộ đổ dồn về đây. Ngay đầu cầu Sê San 4 có một trạm kiểm soát của Đồn 715 quản lý nhưng không rõ vì sao một số phương tiện xe vận tải, xe độ chế vẫn vào Sê San qua đường này để vào khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Tuy nhiên, gần đây lực lượng tác động mạnh vào rừng lại là lâm tặc đi bằng đường thuỷ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, dọc lòng hồ Sê San 4 mỗi ngày có khoảng 80-100 chiếc thuyền bè qua lại và rất ít trong số đó phục vụ sinh nhai lương thiện như đánh bắt cá, vận chuyển hàng hoá. Đa số nhằm mục đích vận chuyển lâm sản trái phép từ rừng Sa Thầy qua địa bàn Ia Grai. Một số còn dùng phà tự chế đưa cả xe độ, xe trâu lên rừng cắt gỗ.

 

 Lâm tặc lợi dụng mặt nước lòng hồ làm đường tấn công gỗ rừng

Hiện tại công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) khu vực lòng hồ Sê San 4 rất phức tạp. Lâm tặc hoạt động vô cùng liều lĩnh và táo tợn, chúng đóng thuyền bè công suất lớn len lỏi trong các luồng lạch ngập nước địa bàn tỉnh Kon Tum để khai thác gỗ trái phép. Trong khi đó, lực lượng cán bộ QLBVR lại quá mỏng mà lại không có phương tiện đường thuỷ.

Chính quyền địa phương: Không nghe không thấy không biết

Xã biên giới Ia O-Ia Grai, nơi lâm tặc dùng làm bàn đạp tấn công rừng Mô Ray, khoảng 5 năm trở lại đây đời sống mọi mặt đã thay đổi vượt bậc do có 2 công trình thuỷ điện lớn được xây dựng trên địa bàn là Thuỷ điện Sê San 4 tổng vốn đầu tư hơn 5000 tỷ đồng và thuỷ điện Sê San 4A hơn 2000 tỷ đồng đang được xây dựng.

Hàng nghìn người từ các nơi đổ về Ia O “ăn theo” công trường, hàng quán mọc lên như nấm, điện cao thế, trạm xá, đường nhựa từ TP Pleiku đi ngang qua UBND xã vào tận cổng đồn biên phòng 717. Đời sống người dân nâng lên, song an ninh trật tự lại khá phức tạp, công tác bảo vệ rừng cũng gặp không ít khó khăn.

Từ năm 2008 đến nay Ban quản lý dự án thuỷ điện Sê San 4 đã thuê Quân đoàn 3 vào “vệ sinh lòng hồ” nhằm thu dọn củi, gỗ tạp còn sót lại để làm sạch môi trường nước và tránh để cây cối sót lại trôi vào nhà máy. Tuy nhiên từ tháng 3-2010 tại bãi gỗ do Quân Đoàn 3 trục vớt bỗng xuất hiện rất nhiều gỗ có dấu cắt mới. Theo thống kê của kiểm lâm Ia Grai, trong số 313 lóng – tương đương 391m3 gỗ kiểm lâm lập biên bản vi phạm hành chính ngày 27-4 có 130 lóng gỗ mới, đa số là gỗ cắt từ rừng tự nhiên kéo về.

Từ UBND xã đến các bãi gỗ này chỉ mất 5 phút đi xe máy, với hàng nghìn người qua lại mỗi ngày. Vậy mà Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Ia O, ông Ksor Khiếu, phân trần: “Chúng tôi không biết ai đưa số gỗ này đến. Thời gian đầu Quân đoàn 3 thu dọn vệ sinh lòng hồ có khoảng 300-400 bộ đội vào dọn thật, sau đó chúng tôi thấy có nhiều cây gỗ mới đốn kéo về nên cùng với lực lượng biên phòng báo với kiểm lâm địa bàn để báo kiểm lâm huyện kiểm tra, xác minh. Còn ai kéo gỗ về chúng tôi không nắm được.”

Trưởng công an xã Ia O ông Rơ Mah Jem người giữ cương vị này từ năm 2004 cũng cho biết: Đối tượng khai thác gỗ kéo về theo lòng hồ trong thời gian vừa qua là ai ông không rõ. Mấy lần cho du kích phục bắt thì họ không kéo, họ chỉ làm vào ban đêm. Ông Jem phủ nhận mọi việc liên quan đến sự biết có lâm tặc đưa gần 400m3 gỗ vào cách UBND xã vài km.

Khu vực xã Ia O biên giới được biên phòng Kon Tum tổ chức quản lý khá chặt chẽ, ngoài trụ sở chính quyền địa phương còn có Đồn biên phòng 717 và kiểm lâm địa bàn, Hạt kiểm lâm Ia Grai. Theo điều tra của chúng tôi, từ ngày 22-2-2010 kiểm lâm Ia Grai đã lập biên bản với 48m3 gỗ vi phạm trong quá trình “trục vớt” gỗ lòng hồ. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, kiểm lâm Ia Grai đã không xử lý nghiêm nên để sự việc kéo dài, phát sinh lên một số lượng lớn gỗ như vậy. Đến nay mặc dù vụ án Vi phạm các quy định về QLBV rừng đã được khởi tố gần 1 tháng, song vẫn cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được bị can nào trong vụ án này.

Ngoài số gỗ lâm tặc kéo về xã Ia O giáp ranh với xã Mô Ray, cuối tháng 5-2010 các ngành chức năng ở tỉnh Kon Tum tiếp tục phát hiện hơn 643m3 gỗ bị chặt phá trái phép, chủ yếu gỗ thuộc nhóm I quý hiếm trong rừng Mô Ray.

Những cánh rừng nguyên sinh đang dần bị rỗng ruột. Một khi những cánh cửa rừng mở toang bằng con đường thuỷ để chỉ cần một bước chân là từ dưới nước lên được bờ thì cuộc chiến bảo vệ rừng ngày càng gian nan và khó thực hiện hơn bao giờ hết. Sê San 4 đã nhấn chìm nhiều nghìn ha rừng vào lòng nước và nay lại đang tạo thời cơ cho lâm tặc thôn tính tiếp hàng ngàn ha rừng còn lại.