Sông Krông Nô oằn mình vì thủy điện

ThienNhien.Net – Không chỉ là một huyền thoại của Tây Nguyên, dòng sông Krông Nô chảy qua Đắk Lắk, Đắk Nông từ bao đời nay đã giúp bà con nơi đây có cuộc sống no ấm, mùa màng bội thu với nguồn thủy sinh phong phú và nguồn nước dồi dào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, điều đó nay đã không còn, con sông đang phải oằn mình vì dòng chảy đột ngột thay đổi.


Theo điều tra của Tuổi Trẻ 20/05, dọc theo dòng Krông Nô, từ thủy điện Buôn Tua Srah, xuôi về cánh đồng Buôn Choáh (Krông Nô, Đắk Nông), tới Buôn Trấp (Krông Ana, Đắk Lắk), rồi đến cầu 14 – nơi sông Krông Nô đổ ra Sêrêpok, không còn cảnh nước chảy ầm réo quanh năm mà thay vào đó là những dòng chảy lúc cạn, lúc xiết làm cho mùa màng thất bát, đôi bờ sạt lở nghiêm trọng.

Cũng theo nhiều người dân ở đây, chưa bao giờ con sông này thiếu nước dù thời tiết có hạn hán, và cũng chưa bao giờ bị ngập lụt hay gây ra sạt lở.

Thế nhưng, từ khi thủy điện Buôn Tua Srah được vận hành vào cuối năm 2009, điều này lại xảy ra và hàng chục ha đất nông nghiệp màu mỡ ở nơi đây cứ thi nhau “đổ ụp” xuống lòng sông.

Về tình trạng này, báo cáo mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông cũng khẳng định, Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah đã xả nước với lưu lượng cao gấp nhiều lần bình thường và gây ngập úng. Trong khi đó, từ 23g hôm trước đến 4g ngày hôm sau, nhà máy lại phát công suất thấp hoặc đóng máy, làm cho nước về hạ lưu tương đối thấp, khiến sông Krông Nô cạn kiệt.

Bên cạnh đó, góp phần làm thay đổi dòng chảy của sông và sự sạt lở hai bên bờ còn do nạn khai thác cát ở Krông Nô với hàng trăm điểm hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm, đang làm cho dòng sông sâu thêm và phình to ra.

Chính quyền địa phương ở đây cũng đã nhiều lần báo cáo lên các ngành chức năng của huyện Krông Nô và tỉnh Ðắk Nông nhưng vẫn chưa ngăn chặn được.

Mặt khác, để khắc phục vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông đã đề xuất UBND tỉnh báo cáo với Chính phủ và các bộ hữu quan để cho phép tiến hành dự án đầu tư gồm nhiều biện pháp, công trình kết hợp làm giảm sự thay đổi dòng chảy.

Tuy nhiên, do sự phức tạp kỹ thuật, cho đến nay dự án vẫn chưa có động tĩnh gì và dòng sông vẫn phải oằn mình chịu trận.