Nguy cơ về đại thảm họa môi trường ở châu Á – Thái Bình Dương

ThienNhien.Net – Tại hội nghị Khoa học Trái Đất 2008 diễn ra ở Úc cuối tháng 7 vừa qua, các nhà khoa học đã công bố một bản phân tích mới về khả năng tác động của núi lửa và các trận động đất. Bản phân tích chỉ ra rằng hậu quả của nó sẽ là một “đại thảm hoạ” xảy ra ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Manila, thủ đô của Philipin với 18 triệu cư dân sẽ là một trong những thành phố lớn bị đe doạ nghiêm trọng.

Nghiên cứu tập trung vào tác động của động đất và núi lửa lên những thành phố đông dân tại các khu vực nguy hiểm ở châu Á – Thái Bình Dương. Các báo cáo về thảm hoạ ở những khu vực này đã tăng lên kể từ trận sóng thần lịch sử năm 2004 mà nguyên nhân là trận động đất mạnh cấp 9 làm chết hơn 225 nghìn người.

Châu Á – Thái Bình Dương được coi là khu vực đang phải gánh chịu nhiều thảm họa tự nhiên tiềm tàng. Trong khi đó, mật độ dân số ở khu vực này vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở các thành phố và vùng châu thổ rộng lớn. Do vậy, tác động của các thảm họa như lụt lội, bão, động đất và núi lửa…sẽ gây ra những thiệt hại lớn về người và của.

Để ước tính thảm hoạ, các nhà nghiên cứu đã khoanh vòng tròn quanh núi lửa, mô phỏng khu vực có thể chịu tác động bởi tro núi lửa dày khoảng 30cm, đủ để làm sụp đổ các tòa nhà.

Về động đất, các nhà nghiên cứu xem xét đến những cơn địa chấn có khả năng xuất hiện trong phạm vi gần đủ mạnh để gây chấn động lên các thành phố. Nhưng đó chỉ là các phân tích sơ bộ, bởi vì các phép tính họ đã sử dụng như sự lan truyền của các bụi than chỉ dừng ở mức độ khái quát.

Phần lớn khu vực châu Á – Thái Bình Dương nằm trên lớp kiến tạo biên giới giữa Úc và Ấn Độ, đã chịu nhiều thảm hoạ tự nhiên tồi tệ nhất thế giới.

Nhà địa chất học và là đồng tác giả của bản báo cáo, Phil Cummins cho biết: “Các phân tích vật lý về hậu quả của các hiểm hoạ địa lý là hoàn toàn mới và chúng tôi đang cố gắng để có thể cảnh báo những tác động ảnh hưởng đến với loài người từ các thảm hoạ tự nhiên. Cơ sở hạ tầng ở các thành phố cũng có thể bị phá huỷ và cũng có thể sẽ không còn nữa các thành phố đông đúc dân cư như Dhaka, Jakarta hay Manila”.

Còn theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu hầu hết các phân tích thảm hoạ động đất và núi lửa dựa trên cơ sở những ghi chép lịch sử trong vòng vài trăm năm trở lại đây. Song, những sự kiện địa chất lớn lại có thể xuất hiện với chu kỳ khoảng vài nghìn năm hoặc thậm chí vài trăm nghìn năm. Điều này ảnh hưởng đến tính chính xác của các phân tích đưa ra trong báo cáo.