ThienNhien.Net – Tỉnh Bắc Kạn đã từng bước triển khai giao đất, giao rừng cho cộng đồng (làng bản, thôn xóm, hộ gia đình) để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Điều này không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế cho người dân, tạo công ăn vịêc làm, phù hợp với tập quán sản xuất truyền thống địa phương, mà nó còn góp phần vào công tác trồng và bảo vệ rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc một cách hiệu quả.
Theo thông tin đăng tải trên Bản tin kiểm lâm Việt Nam số 03 năm 2010, việc giao đất cho cộng đồng quản lý của Bắc Kạn đã được triển khai thực hiện ở 2 xã Bản Thi, Xuân Lạc thuộc huyện Chợ Đồn và 4 thôn của 2 xã Văn Minh, Lạng San thuộc huyện Na Rì. Mục tiêu của việc giao đất giao rừng này nhằm nâng cao năng lực quản lý rừng cho cộng đồng dân cư nghèo một cách bền vững cũng như chia sẻ các chi phí và lợi ích công bằng.
Sau một thời gian thực hiện, mô hình cộng đồng quản lý rừng ở đây đã thu được nhiều kết quả tốt, người dân được tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực quản lý và bảo vệ rừng, hướng dẫn các kỹ thuật canh tác và chăm sóc; vai trò chức năng của chủ rừng được gắn liền với quyền lợi trong việc thu hoạch sản phẩm từ rừng, tình
trạng khai thác trái phép giảm hẳn đối với rừng khoanh nuôi…
Nhưng bên cạnh những kết quả đó, việc phát triển mô hình cộng đồng quản lý rừng cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi nhẽ, việc quản lý rừng cộng đồng khác hẳn so với sử dụng đất nông nghiệp (đất nông nghiệp cho thu lợi ngay còn rừng cộng động phải mất một thời gian dài), nên việc đảm bảo cho người dân nguồn thu, tạo dựng sinh kế kịp thời từ rừng là một thách thức. Bên cạnh đó, cộng đồng thôn bản còn gặp khó khăn trong việc hoàn thiện thủ tục khai thác lâm sản. Mặt khác, các giá trị về bảo vệ môi trường, nguồn nước, giá trị văn hoá-xã hội…chưa được tính đến cho người dân tham gia quản lý rừng cộng đồng.