"Thất bại nhiều hơn thành công" sau 8 năm nhìn lại

ThienNhien.Net – Năm 2002, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã cùng nhau cam kết hướng tới mục tiêu phải giảm cho bằng được tốc độ suy thoái đa dạng sinh học đến 2010. Tiếc thay, thời hạn 2010 đã tới, người ta không có cơ hội hân hoan ca tụng những thành tích bảo tồn đa dạng sinh học, mà trái lại, sẽ phải thừa nhận sự thất bại đối với mục tiêu do mình đề ra, vào chính cái năm mà Liên hợp quốc đã chọn làm Năm Quốc tế về Đa dạng Sinh học.


Một nghiên cứu khoa học mới đây đã kết luận rằng trong thời gian qua, tỉ lệ suy giảm đa dạng sinh học đã không được cải thiện, trong khi đó, áp lực đe dọa ngày càng gia tăng đối với các loài sinh vật trong tự nhiên. Điều này cũng phù hợp với luồng ý kiến đông đảo, lâu nay vẫn chỉ trích sự thất bại, thất hứa của các nhà lãnh đạo đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Ts. Stuart Butchart, trưởng nhóm nghiên cứu nhận xét “Mặc dù các chính phủ đã đề ra những chính sách lớn lao nhằm ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học, nhưng tiếc rằng chúng chưa phù hợp, khiến khoảng cách giữa áp lực lên đa dạng sinh học và các chính sách phản hồi không những không giảm mà ngày càng lớn hơn”.

Ts. Butchart hiện công tác tại Trung tâm Giám sát bảo tồn Thế Giới (thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc – UNEP) và Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế. Nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp đã sử dụng 31 tiêu chí khác nhau để đánh giá tình trạng đa dạng sinh học, trong đó có các tiêu chí như: nguy cơ bị tuyệt chủng, sự mở rộng/thu hẹp các quần thể và quy mô vùng cư trú của loài.

Kết quả hầu hết các chỉ số đo được đều cho thấy tình trạng đa dạng sinh học hoặc không được cải thiện, hoặc đang xấu đi. Quần thể nhiều loài động vật có xương sống cùng các loài chim biển, diện tích các hệ sinh thái rừng, san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn đã bị thu hẹp.

Có một vài kết quả mang tính tích cực, ghi nhận sự chuyển biến trong hệ sinh thái nước ngọt và một số loài săn mồi ở đại dương, song cũng được nhóm nghiên cứu cảnh báo là không chắc chắn, bởi thiếu dữ liệu phân tích.

Vài ba chỉ số khác cũng cho thấy có sự cải thiện trong bảo tồn, song đều mang tính cục bộ địa phương, không đủ mạnh để cải thiện tình trạng đa dạng sinh học nói chung.

Gs. Joseph Alcamo, chuyên gia cao cấp của UNEP, cho biết kể từ năm 1970 đến nay thế giới đã mất đi 30% số lượng quần thể các loài động vật, 20% diện tích rừng ngập mặn, các thảm cỏ biển và 40% rạn san hô. Rõ ràng sự mất mát này cho thấy tính thiếu bền vững, bởi đa dạng sinh học đã được công nhận là một trong những nhân tố cực kỳ quan trọng đối với loài người và sự phát triển bền vững của toàn nhân loại.

Duy trì tính đa dạng sinh học cũng chính là bảo tồn các dịch vụ hệ sinh thái mà tự nhiên cung cấp như thực phẩm, nguồn nước sạch, nguồn lưu giữ các-bon, dược phẩm v.v. Nếu đa dạng sinh học mất đi, tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng, nhưng bị tổn thương nhiều nhất và trước hết là những người dân nghèo, họ phụ thuộc trực tiếp vào thiên nhiên để tồn tại.

Ahmed Djoghlaf, Thư ký điều hành của Công ước Đa dạng sinh học, nhấn mạnh rằng mối quan tâm về đa dạng sinh học cần phải được lồng ghép vào tất cả mọi khía cạnh quản lý của các chính phủ, các doanh nghiệp, và giá trị kinh tế của đa dạng sinh học phải được xem xét một cách phù hợp trong quá trình ra quyết định của lãnh đạo.

Chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng và đòi hỏi điều đó tại hội nghị quốc tế về đa dạng sinh học, dịp gặp gỡ của các nhà lãnh đạo cấp cao tại Nhật Bản vào tháng 10 tới.