Vòm rừng nhiệt đới – nơi sở hữu nguồn dược phẩm vô giá

ThienNhien.Net – Đầu năm Đa dạng sinh học 2010, nhà thực vật học người Pháp, Francis Hallé, chuyên gia về rừng và các tầng rừng nhiệt đới, người đã dành 50 năm nghiên cứu những cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh đã có cuộc trò chuyện về giá trị của vòm rừng và nguy cơ mất đi những giá trị không thể phục hồi từ đó.


– Thưa ông, ông có thể cho biết “vòm rừng” nghĩa là gì?

Francis Halllé: Vòm rừng hay cũng chính là tầng tán rừng nhiệt đới, được tạo bởi đỉnh của hầu hết cây thân gỗ trưởng thành. Điều này đồng nghĩa với việc con người không thể chạm tới nó. Đây là một hệ sinh thái đặc thù, là điểm gặp nhau giữa rừng và khí quyển. Điểm đặc biệt là vì ở vị trí rất cao nên sự sống nơi đây hầu như không gặp sự kìm hãm nào. Nguồn ánh sáng dồi dào, không quá lạnh và cũng không quá nhiều gió… Đó thực sự là những điều kiện lý tưởng cho sự sống. 

– Tại sao chúng ta phải bảo tồn những cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh và những vòm rừng?

Francis Halllé: Rừng nhiệt đới nguyên sinh là nơi lưu trữ sự sống cho hành tinh của chúng ta. Sẽ là khập khiễng nếu đem so sánh độ đa dạng sinh học giữa các đại dương và những khu rừng nhiệt đới nguyên sinh. Tuy nhiên, trong khi đại dương bao phủ 2/3 bề mặt trái đất, nhưng về đa dạng sinh học chỉ chiếm 15%, thì ngược lại, rừng nhiệt đới chỉ chiếm 6% bề mặt trái đất nhưng lại đóng góp tới 75% đa dạng sinh học toàn cầu. Người ta đã ước tính rằng, có đến 69% loài động vật hoang dã đang cư ngụ trong những vòm rừng. 

– Năm 2003, chúng ta đã ghi nhận một sự hủy hoại không thể phục hồi những cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh…
 
Francis Halllé: Không nơi nào trên Trái đất này còn tồn tại những cánh rừng nguyên sinh nguyên vẹn. Rừng nguyên sinh chỉ còn lại chủ yếu ở Châu Phi – khu vực lòng chảo Congo, ở Mélanésie và trên những vùng diện tích rất nhỏ của Châu Á. Ở Nam Mỹ thì chỉ còn ở một bộ phận nhỏ của lòng chảo Amazon, dưới chân của dãy Andes và trên cao nguyên Guyanes. 

– Điều này thực sự là một mất mát lớn đối với loài người?

Francis Halllé: Đúng vậy, bỏ mặc cho những cánh rừng dần biến mất là chúng ta đã bỏ qua một nguồn lợi rất lớn về sinh hóa học. Những nghiên cứu khoa học đã cho thấy rừng là nơi lưu trữ rất nhiều phân tử mới vô cùng quan trọng mà cho đến bây giờ chúng ta mới chỉ khám phá được một phần. Bên cạnh những lợi ích về nghiên cứu, rừng còn cho chúng ta một nguồn lợi lớn cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hóa dược. Đừng bao giờ quên rằng rừng đã ban tặng cho chúng ta rất nhiều loại thuốc quý. 

– Ông có thể cho biết tầm quan trọng của vòm rừng đối với ngành dược?

Francis Halllé: Ngày nào mà các ngành công nghiệp – đặc biệt là ngành công nghiệp y dược – vẫn còn quan tâm đến nguồn nhiên liệu sinh hóa, thì ngày đó, những cánh rừng nguyên sinh vẫn cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Các ngành công nghiệp này nên có ý thức về giá trị kinh tế mà vòm rừng mang lại. Gỗ có thể khai thác từ trồng rừng, nhưng kho tàng sinh hóa thì chỉ có một và không thể tìm lại trong các vòm rừng được nữa một khi chúng đã bị mất đi. 

– Vậy tại sao ngành công nghiệp dược còn chưa nắm lấy thời cơ này?

Francis Halllé: Có một điều ngược đời thế này, người ta vẫn nghĩ rằng ngành công nghiệp dược luôn tài trợ cho những dự án nghiên cứu về giá trị vòm rừng của chúng tôi. Nhưng trên thực tế, công nghiệp dược lại chỉ liên kết với ngành hóa tổng hợp, và điều này đã mang lại cho cả hai bên một sự hài lòng nhất định trong việc tái sắp xếp những phân tử mà họ đã tìm ra. Có điều, tôi sợ rằng, đến khi họ bừng tỉnh và nhận ra rằng mình cần những phân tử mới, thì lúc đó đã quá muộn. Những nguồn tài nguyên đã cạn kiệt mất rồi.

– Ở buổi bình minh của một thập kỷ mới, ông hình dung thế nào về tương lai của những cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh?

Francis Halllé: Tôi thực sự rất bi quan. Những cánh rừng nhiệt đới ở Đông Nam Á đang biến mất nhanh chóng, thời gian chỉ còn tính trong vòng chục năm nữa. Tình hình đang vô cùng cấp bách. Việc làm cấp thiết nhất của chúng ta là đầu tư bảo tồn những cánh rừng này, và công việc ấy cũng đòi hỏi phải được thực hiện sâu rộng như việc bảo vệ các đại dương vậy. Tôi rất muốn thực hiện một cuốn phim dài về vòm rừng để giúp cho mọi người nhận thức hơn về sự giàu có của vòm rừng cùng những mối đe dọa đang đè nặng lên nó. 

Xin cảm ơn ông!