Hiệu quả mô hình trồng dừa xen ca cao ở Bến Tre

ThienNhien.Net – Xuất phát từ Chương trình phát triển cây Ca cao tại Bến Tre do Đại học Nông Lâm TP. HCM khởi xướng, dưới sự tài trợ của Viện Nghiên cứu Ca cao Hoa Kỳ, mô hình trồng dừa xen ca cao đã được trồng thử nghiệm tại Bến Tre, và sau gần 10 năm mô hình này đã cho thấy rõ hiệu quả kinh tế cao.


Theo nghiên cứu của trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, cây ca cao là loại cây ưa bóng mát và vườn dừa ở Bến Tre là điều kiện tự nhiên lý tưởng nhất.

Chỉ với 190ha đầu tiên trồng thử nghiệm tại xã An Khánh (Châu Thành) vào năm 2000, đến năm 2004, diện tích ca cao trồng xen vườn dừa và cây ăn trái đã tăng gấp 10 lần, được mở rộng ở các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày với các dòng ca cao thương phẩm có năng suất cùng chất lượng cao. Và đến năm 2007, Bến Tre đã lập hẳn dự án phát triển 10.000ha ca cao phục vụ xuất khẩu, mở rộng ra 66 xã với trên 11.400 hộ, thuộc 5 huyện Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam.

Để nâng cao chất lượng cây ca cao, tỉnh đã chủ trương thành lập gần 140 câu lạc bộ nhằm phổ biến cách trồng cây ca cao. Ngoài ra còn có 14 vườn mẫu, 18 điểm trình diễn, 8 điểm chế biến lên men, 7 vườn ươm giống… Nhiều hoạt động như hội thảo, các lớp tập huấn, cùng với các điểm thực tế đã giúp người trồng ca cao được trang bị kiến thức, học hỏi lẫn nhau về kỹ thuật canh tác bền vững, kỹ thuật sơ chế và lên men ca cao đúng chất lượng theo yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Đặc biệt từ năm 2009, dừa và ca cao còn được Dự án Phát triển Kinh doanh với Người nghèo Nông thôn Bến Tre (DBRP) chọn là 2 trong 3 sản phẩm mũi nhọn để xây dựng chuỗi giá trị đầu tiên. Chuỗi giá trị dừa đang được thực hiện và những phát hiện ban đầu cho thấy, có thể tăng thu nhập và giảm nghèo cho nông dân qua việc phát triển chuỗi giá trị này.

Còn đối với cây ca cao, theo đánh giá của đoàn giám sát của Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) trong năm 2009, việc phát triển chuỗi giá trị ca cao có thể mang lại hiệu quả lớn hơn rất nhiều ở cấp nông trại, đặc biệt giúp nâng cao thu thập của người nghèo hơn cả dừa.

Theo kế hoạch, Dự án DBRP sẽ tiếp tục hỗ trợ thông qua việc nâng cao nhận thức của nông dân về cơ hội thị trường, những rủi ro và lợi ích của việc phát triển ca cao; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật và thành lập nhóm hợp tác về ca cao. Qua chuỗi giá trị dừa và ca cao, dự án mong muốn nông dân quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động của việc lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Hiện tại, Bến Tre là một trong những tỉnh dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển ca cao ở Việt Nam với chất lượng khá tốt và còn xuất đi nhiều nước trên thế giới.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, ước tính hiệu quả kinh tế ban đầu khi trồng dừa xen ca cao, giá trị sản xuất mang lại cao gấp 3,43 lần và lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với vườn dừa không trồng xen.