Mô hình “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới xây dựng mô hình lúa thâm canh tổng hợp” được thực hiện thí điểm ở xã An Bình, huyện Thoại Sơn – tỉnh An Giang.
Đây là mô hình mới được triển khai đầu tiên trên cả nước, mô hình sẽ tư vấn cho nông dân chăm sóc từ khâu làm đất, chuẩn bị giống, gieo sạ, giúp nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về phân bón, kỹ thuật trong canh tác lúa theo quy trình 3 giảm 3 tăng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khâu thu hoạch và sau thu hoạch, thuỷ lợi giao thông nội đồng, quản lý nước sạch vệ sinh môi trường, nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản xuất lúa và qua đó phát triển ngành nghề trong nông thôn trên cơ sở tận dụng các phụ phế phẩm của nông nghiệp.
Mô hình được thực hiện với qui mô 135ha (trong diện tích tiểu vùng AB4 618ha sản xuất lúa 2 -3 vụ/năm), với sự tham gia của 119 hộ nông dân có đất canh tác liền canh và được thành lập 3 tổ hợp tác sản xuất, 3 tổ kéo hàng với 18 thành viên tham gia và thành lập Ban thực hiện Dự án cấp huyện: gồm UBND huyện, các phòng ban có liên quan và lãnh đạo xã.
Dự án được thực hiện bắt đầu từ vụ Đông Xuân 07-08, tổ chức lễ ra quân đồng loạt xuống giống từ ngày 9/12/2007 đến ngày 13/12/2007 dứt điểm 135ha. Cơ cấu giống của vùng dự án gồm có giống OM 2517 (111,9ha) chiếm 83%, giống Jasmine (19,5ha) chiếm 14,4%, giống OMCS 2000 (1,5ha) chiếm 1,1%, giống khác (2ậct) chiếm 1,5%. Mô hình áp dụng sạ hàng với diện tích 133,5ha, sạ tay 1,5ha.
Thực hiện trình diễn 10 điểm so sánh phân Yara với các loại phân bón khác, qua theo dõi bước đầu cho thấy cây lúa có sử dụng phân Yara lá đứng, phiến lá dầy, lá có màu xanh nhạt, rễ phát triển mạnh và trắng.
So sánh 25 giống lúa với diện tích 0,6 ha, trong đó có 13 giống của Viện Lúa ĐBSCL, 4 giống của Miền Tây lúa và 8 giống do nông dân tự lai tạo.
Tập huấn 03 lớp 3G – 3T cho tất cả nông dân tham gia vùng dự án, lắp đặt 1 bẫy đèn để theo dõi diễn biến sâu bệnh và hướng dẫn cho nông dân cách phòng trị.
Ngoài ra Trung Tâm Khuyến nông Quốc gia, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung Tâm Khuyến nông An Giang còn khai trương quán café Khuyến nông (đầu tiên của cả nước, trong vùng dự án) nhằm giúp cho nông dân tiếp cận nhanh với tài liệu khoa học kỹ thuật, báo chí…miễn phí.
Trong quá trình thực hiện dự án được sự giúp đỡ của Trung Tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở NN-PTNT và Trung Tâm Khuyến
nông An Giang. Được sự chỉ đạo trực tiếp của huyện uỷ, UBND huyện, phòng NN-PTNT, trạm Bảo vệ Thực vật, trạm Khuyến nông huyện. Cùng với sự quyết tâm thực hiện của Đảng uỷ, UBND xã và cả hệ thống chính trị, đồng thời không thể thiếu sự đồng thuận cao của bà con nông dân. Bên cạnh đó dự án còn được sự hỗ trợ của các công ty như: Công ty thuốc BVTV An Giang, Công ty Yara, Công ty An Hưng Tường,… tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sản xuất lúa của nông dân trong tiểu vùng bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi trên vẫn còn một số khó khăn của dự án là một bộ phận nông dân bước đầu còn lo ngại việc kéo hàng, sử dụng phân Yara, phương pháp sử dụng thuốc BVTV theo qui trình 3 giảm 3 tăng (nông dân quen sử dụng phân thuốc theo tập quán cũ).
Để tiếp tục thực hiện cho đến cuối vụ Đông Xuân và chuẩn bị cho vụ Hè Thu 2008, phương hướng của dự án là: Xây dựng qui chế làm việc của tổ hợp tác sản xuất, tập huấn lớp kinh tế hộ để nông dân tự nhận thấy tiềm năng kinh tế nông hộ từ đó có hướng làm giàu cho gia đình và xã hội, tổ chức trình diễn máy san bằng mặt ruộng bằng tia lazer sau khi thu hoạch vụ đông xuân 07-08, chọn bộ giống cho vụ hè thu 2008 để chuẩn bị cung ứng giống cho vụ đông xuân 08-09, chọn nông dân có quyết tâm muốn làm giống để tạo tiền đề cho việc thành lập tổ giống trong vùng dự án, định hướng cung cấp giống đạt chất lượng cho toàn xã…