Thúc đẩy số hóa truyền hình ở Việt Nam

ThienNhien.Net – Trong những năm gần đây, ngành Phát thanh – Truyền hình Việt Nam đã có những bước phát triển nhảy vọt. Cùng với đó, xu hướng công nghệ số trong truyền hình ngày càng phát triển. Và theo mục tiêu của ngành Truyền hình, Việt Nam sẽ số hóa hoàn toàn công nghệ truyền hình đến năm 2020.


Mới đây, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã báo cáo Chính phủ về “Lộ trình số hoá truyền hình mặt đất và công tác quản lý tần số phát thanh, truyền hình cáp tại Việt Nam”.

Trên cơ sở đó, đại diện Chính phủ – Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nêu rõ quan điểm về 3 động lực quan trọng thúc đẩy lộ trình này.
Thứ nhất, tạo động lực để người sử dụng chuyển sang kỹ thuật số (KTS) bằng cách cho thấy rõ tính ưu việt của truyền hình số có chất lượng cao. Thứ hai, phải tạo động lực cho những đơn vị đang sản xuất và phát sóng các chương trình bằng KTS thông qua những cơ chế chính sách đột phá mới. Thứ ba, cần có chính sách khuyến khích ở các địa phương chuyển đổi sang thiết bị thu KTS.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp nên sử dụng chung hạ tầng và khuyến khích những doanh nghiệp lớn chuyên đầu tư vào hạ tầng KTS để tránh lãng phí cho xã hội.

Sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông duyệt Đề án lộ trình số hoá vào cuối quý I/2010, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) sẽ là đơn vị thử nghiệm lộ trình số hóa truyền hình toàn quốc, từ nay đến 2015.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông – Lê Nam Thắng cho biết, lộ trình số hoá truyền hình và công tác quản lý tần số phát thanh – truyền hình còn nhiều bất cập và cần sớm được quy hoạch bài bản, tránh lãng phí tài nguyên tần số.

Hiện nước ta có 3 phương thức truyền hình: truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp và truyền hình mặt đất. Để lộ trình số hoá truyền hình ở Việt Nam nhanh chóng đi vào cuộc sống, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đề xuất cần triển khai đồng bộ một số giải pháp như: các phương tiện thông tin đại chúng cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để họ có thể tự trang bị và thay mới thiết bị KTS; đổi mới, phong phú chương trình đối với các kênh truyền hình KTS và chỉ phát ở tần số của KTS.

Chính phủ cũng sẽ thành lập Ban Chỉ đạo Đề án số hoá truyền hình Việt Nam đến năm 2020 để thống nhất và tập trung chỉ đạo triển khai Đề án trên cả nước.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – Nguyễn Quân đề nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với những chương trình công ích đang phát sóng bằng công nghệ KTS như Vietnam Online. Theo đó, sự hỗ trợ không chỉ dừng lại ở kinh phí mà còn là những đảm bảo về cơ chế chính sách.

Truyền hình KTS có 3 thế mạnh chính: chất lượng hình ảnh, âm thanh cao, tăng số lượng kênh, tiết kiệm tần số băng thông rộng.

Đài Truyền hình Việt Nam hiện quản lý 21 kênh truyền hình KTS với 200.000 thuê bao; VTC quản lý 98 kênh với khoảng 40.000 thuê bao. Tổng cộng số thuê bao truyền hình vệ tinh chiếm khoảng 1,56% số hộ có truyền hình trên phạm vi cả nước.

Cả nước hiện có 1,5 triệu hộ sử dụng truyền hình cáp, chiếm 9,75% số hộ có truyền hình, trong đó, TP. Hồ Chí Minh có 64,5% và Hà Nội có 49,4% số hộ sử dụng truyền hình cáp.

Mục tiêu đến năm 2015, 80% số hộ gia đình trên cả nước được xem truyền hình số.