Phát triển nghề nuôi ngao ở ven biển miền Trung

ThienNhien.Net – Phân Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản Bắc Trung bộ thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 và Viện Nghiên cứu Phát triển Nam Úc đã phối hợp thực hiện Dự án “Phát triển Nghề nuôi ngao nhằm cải thiện và đa dạng hóa sinh kế cho cộng đồng cư dân nghèo ven biển miền Trung Việt Nam” do Chính phủ Úc tài trợ thông qua Chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp và nông thôn (CARD).


Sau 4 năm triển khai, dự án đã thu được một số kết quả nổi bật như: xây dựng quy trình sản xuất giống ngao Meretrix lyrata; phát triển các mô hình nuôi ngao thương phẩm ngoài bãi triều và trong ao, nuôi ngao luân canh với nuôi tôm hoặc nuôi kết hợp ngao với tôm trong ao.

Trong 2 ngày 19 và 20 tháng 12 năm 2009, tại Thanh Hóa, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 đã tổ chức Hội nghị tổng kết và đánh giá các kết quả đạt được của dự án. Trong chương trình Hội nghị, các đại biểu đã được đến tham quan mô hình nuôi ngao ngoài bãi triều và ao ương nuôi ngao giống ở Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.

Kết quả của dự án cho thấy ngao nuôi tăng trưởng rất tốt với mật độ thả nuôi tấn/ha đối với ngao giống có kích cỡ vỏ dài 1,0 cm.

Dự án đã nghiên cứu và ứng dụng thành công về sản xuất giống ngao trong ao, ương ấu trùng sau khi xuống đáy 2 tuần. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam đã thực hiện thành công nuôi ương ngao trong ao, điều này đã mở ra triển vọng cho ngành sản xuất ngao giống nhằm phục vụ cho nghề nuôi ngao thương phẩm ở khu vực miền Trung. Dự án đã cho thấy kết quả của thông số về mật độ, độ mặn và kích thước ngao nuôi trong các mô hình nuôi ngao ở bãi triều, trong kênh, ao, nuôi kết hợp ngao với tôm trên quy mô nông hộ.

Dự án đã đưa ra tiêu chuẩn chủ yếu để lựa chọn xây dựng một trại ngao giống với các yếu tố quan trọng về nguồn lực trong việc vận hành trại giống, bao gồm:

– Nguồn nước và việc kiểm soát chất lượng nguồn nước.

– Cơ sở hạ tầng thiết bị để sản xuất đại trà ít nhất cho 3 loài tảo biển đơn bào.

– Thiết bị và diện tích đủ cho việc nuôi vỗ và kích thích sinh sản ngao bố mẹ.

– Trang bị cho ương ấu trùng bơi tự do và ấu trùng sống đáy.

– Thiết bị và diện tích phù hợp cho ương nuôi con giống spat.

Thông qua các báo cáo được trình bày tại Hội nghị và những ý kiến tham luận của các đại biểu tới dự từ các địa phương ở 6 tỉnh miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, đại diện lãnh đạo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 – Viện trưởng Lê Thanh Lựu đã đưa ra một số ý kiến kết luận:

– Con ngao là một loài nuôi có giá trị phù hợp với ngư dân nghèo ven biển để nhằm cải thiện đời sống do đặc chủng loài nuôi không cần chăm sóc nhiều, vốn đầu tư không lớn và tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Kết quả mang lại sản lượng tốt, tăng thu nhập và tạo nhiều công việc làm cho bà con ngư dân ven biển miền Trung.

– Đối tượng ngao dễ nuôi, phù hợp với điều kiện môi trường đặc biệt ở khu vực miền Trung để tận dụng các diện tích bãi ngang ven biển còn hoang hóa, các ao nuôi tôm năng suất kém, các bãi triều, các kênh mương nước thải hoặc kênh dẫn nước cho ao tôm. Tùy theo các điều kiện trong vùng để áp dụng nuôi theo 4 mô hình của dự án như đã nêu trên .

– Kết quả đạt được của dự án này là một phần được thừa hưởng những tích lũy kinh nghiệm hàng chục năm của nghề nuôi ngao trong ngư dân cũng như của một số dự án, đề tài nghiên cứu trước đó của các nhà khoa học đã được gợi mở.

– Để đạt được kết quả nuôi tốt, ngoài việc thực hiện nghiêm chỉnh các điều kiện về kỹ thuật cần thiết, nên có định hướng thực hiện với thời gian ban đầu chỉ làm trên quy mô nhỏ, sau đó nhân rộng trên quy mô lớn, ứng dụng trên nhiều địa phương khác.

– Định hướng phát triển nghề nuôi ngao trong tương lai nên hướng tới cách làm theo dây chuyền mang tính chuyên canh, công nghiệp hóa trên diện rộng giữa các địa phương. Phân vùng chuyên canh sản xuất giống, nuôi ương, nuôi thương phẩm kết hợp tôm và ngao, tổ chức tốt các dịch vụ cung ứng thức ăn, thu mua sản phẩm, cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong nước, cho khu vực chế biến và xuất khẩu.

– Hướng tới nên phát triển các sản phẩm ngao tiện ích cho tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm bằng các sản phẩm chế biến sẵn tại vùng nuôi nhằm tăng tiêu thụ trong nước và để giảm bớt chi phí vận chuyển con ngao sống ra thị trường.