Tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng của Việt Nam là rất lớn

Lâu nay, nhắc đến rừng người ta chỉ nghĩ đến giá trị gỗ và lâm sản mà chưa chú trọng những giá trị khác, như: Sinh thái cảnh quan, môi trường, đặc biệt là khả năng hấp thụ CO2 hay carbon từ rừng. Khả năng hấp thụ, lưu trữ carbon từ rừng không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn đem lại hiệu quả kinh tế từ việc trồng, bảo vệ, phát triển rừng. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Theo đánh giá của các nhà khoa học, tiềm năng bán tín chỉ carbon của Việt Nam rất lớn. Đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn về điều này?

Đồng chí Trần Quang Bảo: Đúng vậy! Tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng của Việt Nam là rất lớn. Cụ thể, rừng ở khu vực Bắc Trung Bộ đã bán được giảm phát thải khí nhà kính (hấp thụ CO2) với giá trị hơn 50,5 triệu USD, với giá 5 USD/tấn. Dự kiến, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) và Liên minh Giảm phát thải và tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giai đoạn 2022-2026 với giá tối thiểu 10 USD/tấn CO2. Tổng diện tích rừng tham gia chương trình này khoảng 4,29 triệu héc-ta. Như vậy, số tiền chúng ta nhận được là khoảng 51,5 triệu USD. Rừng ở các vùng Tây Bắc, Đông Bắc cũng đều có tiềm năng lớn giảm phát thải, tăng hấp thụ carbon.

Đồng chí Trần Quang Bảo. Ảnh: DIỆP ANH

Ngoài ra, các loại rừng khác như: Rừng trồng tập trung, đặc biệt, rừng ngập mặn ven biển ở nước ta đều có khả năng hấp thụ tốt carbon. Tuy nhiên, để xác định chính xác tiềm năng bán tín chỉ carbon từ rừng trong cả nước, chúng ta cần sớm tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đo đạc kỹ lưỡng để đưa ra con số cụ thể. Chính vì vậy, nếu triển khai thực hiện dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng nói chung trên toàn quốc thì mỗi năm sẽ có thêm nguồn tài chính đáng kể, bền vững phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước đầu tư vào ngành lâm nghiệp. Có thêm nguồn thu từ rừng, giúp tạo thêm động lực cho người dân làm cho rừng giàu lên để nhận được tiền nhiều hơn, góp phần phát huy tinh thần trách nhiệm và nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ rừng, góp phần duy trì, phát huy truyền thống văn hóa của cộng đồng dân cư địa phương.

PV: Đâu là thuận lợi, khó khăn, thách thức đối với chúng ta trong quá trình bán tín chỉ carbon rừng? Sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về vấn đề này như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Quang Bảo: Trước hết nói về thuận lợi, rừng Việt Nam có giá trị đa dạng sinh học cao, tiềm năng tạo ra tín chỉ có giá trị cao tốt. Việt Nam đã có kinh nghiệm về triển khai sáng kiến REDD+ (Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng), triển khai thí điểm chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ với Ngân hàng Thế giới (WB). Hệ thống dữ liệu về tài nguyên rừng được theo dõi, cập nhật đầy đủ theo chu kỳ và hằng năm.

Một khu rừng sản xuất ở tỉnh Phú Yên. Ảnh: NGUYỄN NGHINH XUÂN

Còn về khó khăn, hiện nay đang thiếu khung pháp lý, hướng dẫn kỹ thuật quy định chi tiết về chuyển nhượng, chia sẻ lợi ích, xác định giá tín chỉ carbon… Có nhiều tiêu chuẩn carbon khác nhau trên thế giới, trong khi trong nước chưa có tiêu chuẩn. Do vậy cần rà soát, lựa chọn tiêu chuẩn phù hợp với Việt Nam nhất và có lợi nhất. Cần kinh phí đầu tư để xây dựng dự án, giám sát, thẩm định và cấp tín chỉ.

Thời gian qua, cộng đồng quốc tế đã chung tay, hỗ trợ ngành lâm nghiệp thông qua nhiều chương trình, dự án triển khai sáng kiến REDD+ và các chương trình, dự án trao đổi tín chỉ carbon rừng vùng Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ…

PV: Theo các chuyên gia về lâm nghiệp, rừng ngập mặn ven biển không chỉ góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, thích ứng với biến đổi khí hậu mà loại rừng này còn hấp thụ carbon rất tốt. Ý kiến của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

Đồng chí Trần Quang Bảo: Nhận định trên hoàn toàn chính xác, dựa trên kết quả nghiên cứu từ các chuyên gia và nhà khoa học. Rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ và lưu giữ carbon cao, đặc biệt là lưu giữ trong đất. Tuy nhiên, thực tế diện tích rừng ngập mặn của Việt Nam không lớn và không tập trung. Chi phí để xây dựng và vận hành dự án tín chỉ carbon rừng là khá cao. Do vậy, cần nghiên cứu toàn diện khả năng và lợi ích tham gia thị trường carbon đối với rừng ngập mặn, có thể trong thời gian tới sẽ thực hiện thí điểm loại rừng này đối với thị trường có giá trị cao tại khu vực tập trung diện tích rừng ngập mặn.

PV: Nguồn thu từ bán tín chỉ carbon rừng có ý nghĩa như thế nào đối với công tác trồng và phát triển rừng ở nước ta trong thời gian tới, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Quang Bảo: Nguồn thu từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (gọi tắt là ERPA) giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế góp phần quản lý, bảo vệ 2,2 triệu héc-ta rừng tự nhiên của vùng Bắc Trung Bộ. Theo tính toán, nguồn thu dự kiến, diện tích rừng và số hộ gia đình, cộng đồng dân cư hưởng lợi từ ERPA đều tăng so với từ dịch vụ môi trường rừng trung bình tại khu vực Bắc Trung Bộ.

Cụ thể, nguồn thu gấp 1,16 lần, diện tích được chi trả gấp 2,11 lần, số hộ gia đình, cộng đồng hưởng lợi gấp 3,2 lần. Điều này cho thấy, bên cạnh nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng thì nguồn tiền từ ERPA đã giúp bổ sung thêm nguồn tài chính hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng rất kịp thời, hiệu quả, giúp người dân có thêm động lực bảo vệ rừng tốt hơn. Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ mới là giai đoạn khởi đầu, giúp tạo ra một quy trình trong việc bán và triển khai carbon rừng; góp phần khơi thông và kịp thời tiếp nhận nguồn lực có ý nghĩa đáng kể cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sống gắn bó với rừng.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!