Phát triển ngành công nghiệp sản xuất giống cây trồng, vật nuôi

ThienNhien.Net – Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020. Tổng nhu cầu về vốn cho Đề án này khoảng 69.900 tỷ đồng.


Theo đó, cần tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản, áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất đại trà phù hợp với điều kiện của từng vùng, nhằm tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển giống phục vụ mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả xuất khẩu, bao gồm các dự án giống lúa thuần chất lượng cao, một số cây ăn quả chủ lực, rau, hoa, nấm, cà phê, tôm sú, cá basa… Bên cạnh đó cũng chú trọng đầu tư các dự án giống phục vụ sản xuất tiêu dùng trong nước và thay thế nhập khẩu như các giống ngô lai, lúa lai, mía, gia cầm…

Thực trạng của ngành sản xuất, chế biến giống hiện nay

Trong những năm vừa qua có nhiều giống cây trồng, vật nuôi, cây lâm nghiệp và thủy sản được tạo ra, nhất là một số giống có ưu thế đã đưa vào sản xuất trên diện rộng, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam. Đến nay đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, cây ăn quả… được dùng giống mới. Đã có hàng trăm cây trồng được chọn tạo, đưa tỷ trọng áp dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp lên 35%.

Riêng đối với thủy sản, đã áp dụng có hiệu quả công nghệ nhân giống nhân tạo một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao (tôm sú, tôm he, cá tra, ba sa, cua, nhuyễn thể 2 vỏ…). Giá trị tổng thu/ha/năm đối với mô hình 1 vụ lúa 1 vụ tôm đạt 45-50 triệu đồng, chuyên nuôi cá đạt 300-500 triệu đồng…

Nhưng trên thực tế, so với yêu cầu sản xuất, số giống có năng suất, chất lượng cao, thích hợp với các vùng sinh thái còn thiếu về chủng loại và tiêu chuẩn chất lượng.

Hiện nay, trong cả nước, về giống lúa còn thiếu các giống thuần có chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, các giống kháng rầy, vàng lùn, lùn xoắn lá còn hiếm.

Về thủy sản, các cơ sở sản xuất giống phần lớn là các trại quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng, thiết bị chưa được đầu tư nhiều, nên lượng giống có tăng nhưng một số đối tượng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu như cá tra, tôm thẻ chân trắng… và chất lượng giống còn chưa cao.

Nâng cao tỷ lệ dùng giống tiến bộ kỹ thuật

Xuất phát từ thực tế, Đề án đã có những mục tiêu cụ thể quy hoạch lại khả năng cũng như nâng cao năng lực hệ thống cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, cây lâm nghiệp, thủy hải sản theo hướng công nghiệp hóa.

Cụ thể, đối với trồng trọt, chấm dứt tình trạng các hộ gia đình tự sử dụng thóc thịt làm giống. Nâng cao tỷ lệ dùng giống xác nhận hoặc tương đương cho cây lúa đạt 70-85%. Khi sử dụng giống chuẩn thì năng suất cây trồng các loại tăng lên 15%. Tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi đối với bò thịt và dê đạt 70%, đối với lợn và gia cầm là 90%.

Tỷ lệ giống nuôi trồng sạch bệnh, có chất lượng cao được sản xuất trong nước dành cho thủy sản là 75%. Theo đó, năng suất nuôi trồng các loại thủy sản tăng trên 50%.

Trong lâm nghiệp, bảo đảm cung cấp giống được công nhận, trong đó có 50% từ nguồn nhân giống sinh dưỡng cho trồng rừng.


Đầu tư thiết bị, nhân lực cho ngành sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Giải pháp lâu dài cho Đề án

Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống để hình thành ngành công nghiệp sản xuất giống hiện đại hóa, nhằm tăng nhanh năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản và thu nhập của nông dân một cách bền vững.

Theo đó, quy hoạch hoàn thiện hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống từ Trung ương đến cơ sở gắn với vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Cần nhân rộng, đại trà những giống cây trồng, vật nuôi sinh trưởng tốt, sạch bệnh, năng suất cao. Phát huy tối đa nguồn nhân lực cũng như nâng cấp hệ thống sẵn có về nghiên cứu, chọn tạo, nhân và sản xuất giống.

Riêng về giống lâm nghiệp, cần xây dựng 3 vườn ươm giống hiện đại tại 3 vùng. Nếu địa phương nào có diện tích trồng rừng từ 10 ngàn ha/năm trở lên thì xây dựng 1 vườn ươm giống quy mô phù hợp.

Về hiện đại hóa lĩnh vực then chốt này, ngân sách nhà nước sẽ đầu tư cho việc nghiên cứu khoa học về giống, giữ nguồn gen, nhập nội nguồn gen, nhập công nghệ mới cũng như đầu tư hạ tầng cơ sở, chế biến giống và xây dựng trại giống đầu dòng.

Cụ thể, nhà nước hỗ trợ không quá 50% vốn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất giống tập trung hoặc việc sản xuất giống gốc đầu dòng, siêu nguyên chủng… Hỗ trợ không quá 30% chi phí sản xuất giống lai đối với một số loại giống cần khuyến khích.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân có thể vay vốn tín dụng đầu tư phát triển nhà nước theo quy định hiện hành. Hiện nay, các ngân hàng thương mại quốc doanh cũng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho việc vay vốn đầu tư sản xuất, chế biến giống.