Hải Dương: Hiệu quả bước đầu trong quản lý khoáng sản ở Kinh Môn

ThienNhien.Net – Kinh Môn là huyện giàu tài nguyên khoáng sản nhất tỉnh. Khoáng sản đáng chú ý nhất ở đây là đá vôi với tổng trữ lượng khoảng 200 triệu tấn, được sử dụng làm nguyên liệu chính cho sản xuất xi- măng, vôi củ, bột nhẹ và đá xây dựng.

Ngoài ra, Kinh Môn còn có đất cao lanh, đá phiến sét, quặng si-líc hoạt tính, bô-xít… được sử dụng làm đồ gốm, sứ hoặc phụ gia xi-măng… Do có những điều kiện thuận lợi về tài nguyên khoáng sản, Kinh Môn đã và đang là một trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh, nhất là công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

Năm 2003 trở về trước, trên địa bàn huyện có hàng chục đơn vị, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, nhưng chỉ rất ít trong số đó có giấy phép hoạt động. Khi đó có tình trạng các doanh nghiệp lớn để dành mỏ đã được cấp phép, đi thu gom khoáng sản trôi nổi trên thị trường với nhiều nguồn khác nhau. Dẫn đến việc khai thác bừa bãi nguồn tài nguyên khoáng sản, gây khó khăn cho công tác quản lý và làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Khu vực di tich lịch sử, văn hóa chùa và hang động khảo cổ Nhẫm Dương, động Kính Chủ… đã phải “kêu cứu”.

Khi cơ quan quản lý kiểm tra, xử lý những vi phạm quy định về bảo vệ tài nguyên, khoáng sản, thì luôn vấp phải sự chống đối quyết liệt. Đã có cán bộ chuyên trách của huyện, xã bị đe doạ. Trên địa bàn từng xuất hiện kiểu giải quyết mâu thuẫn cá nhân bằng… mìn. Chính vì vậy, chấn chỉnh và tăng cường quản lý khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên khoáng sản ở Kinh Môn là một nhiệm vụ cấp thiết.

Theo yêu cầu của tỉnh, các ngành chức năng đã từng bước xác định lại quy hoạch các khu vực được hoạt động khoáng sản, khu vực cấm hoặc tạm thời cấm; quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; phân định rõ các khu vực quy hoạch nguyên liệu chung, khu vực dự trữ tài nguyên quốc gia đối với các loại khoáng sản, bảo đảm quốc phòng- an ninh, khu vực lịch sử- văn hoá và phát triển kinh tế.

Các khu mỏ đã hết hạn khai thác đều được xem xét kịp thời để gia hạn hoặc đóng cửa, bảo đảm tất cả các mỏ đều phải có chủ quản lý trực tiếp. Các đơn vị được cấp phép khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đều phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết, báo cáo định kỳ tới các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh, huyện. Công tác quản lý, sử dụng vật liệu nổ, an toàn vệ sinh lao động được tăng cường. Các ngành chức năng, lực lượng liên ngành phối hợp với các cấp chính quyền huyện, xã để thường xuyên kiểm tra, phát hiện và chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Khoáng sản.

Với những cố gắng nêu trên, việc quản lý khoáng sản ở Kinh Môn từng bước đi vào nền nếp, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế. Hiện nay, trên địa bàn này đang có trên 300 doanh nghiệp lớn, nhỏ hoạt động, thu hút hàng vạn lao động. Hàng năm, các doanh nghiệp đóng góp ổn định hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Trong đó, đáng kể là mỗi năm sản xuất và tiêu thụ trên 7 triệu tấn xi -măng các loại; gần 2 triệu m3 đá xây dựng; hàng trăm nghìn tấn vôi củ phục vụ nhu cầu nội địa.

Công ty TNHH Minh Thắng bước đầu đã xuất khẩu từ 3.000 đến 5.000 tấn vôi củ/ năm. Công ty TNHH Minh Phúc đã đầu tư dây chuyền để sản xuất bột nhẹ siêu mịn, một chất phụ gia cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp, mỹ phẩm, dược trước đây thường phải nhập từ nước ngoài. Các doanh nghiệp lớn như các nhà máy xi -măng Hoàng Thạch, Phúc Sơn… đang đầu tư mở rộng sản xuất.Tuy nhiên, khoáng sản trên địa bàn Kinh Môn chủ yếu mới khai thác lộ thiên, sử dụng công nghệ lạc hậu, trong sử dụng khoáng sản còn lãng phí…

Để quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, huyện Kinh Môn và các ngành chức năng liên quan phối hợp chặt chẽ, triển khai thăm dò, khảo sát và đánh giá chính xác hơn về trữ lượng, để quy hoạch chi tiết việc khai thác, chế biến và sử dụng từng loại khoáng sản. Từ đó, có kế hoạch khai thác tài nguyên khoáng sản có quy mô hợp lý, khai thác cả các tầng sâu, khai thác tận thu, khai thác với quy mô tập trung cao hơn. Đồng thời kết hợp với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, an ninh, quốc phòng của huyện và khu vực.

Các đơn vị được cấp phép khai thác cần đầu tư ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong chế biến và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản. Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Khoáng sản, các quy định về an toàn lao động, phá hoại môi trường… Cần chấn chỉnh việc sử dụng vật liệu nổ của các đơn vị theo phương án sản xuất, kế hoạch khai thác mỏ, từ đó quản lý chặt chẽ thuốc nổ. Quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, gắn việc sử dụng nguồn lợi tài nguyên với việc giải quyết việc làm cho nhân dân trên địa bàn.