Cần nâng cao năng suất tôm nuôi ở Cà Mau

ThienNhien.Net – Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước với trên 240.000 ha nhưng nuôi phân tán nhỏ lẻ, khó bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; năng suất tôm nuôi thấp nhất, chỉ bằng 24% năng suất tôm nuôi bình quân của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bằng 26% so với năng suất tôm nuôi trên cả nước. Nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh vẫn còn nhiều vùng nuôi ngoài quy hoạch nên không kiểm soát được dịch bệnh.


Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau – Nguyễn Thông Nhận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó chủ yếu là do hạ tầng thấp kém, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ, vốn cho nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng nhu cầu; chất lượng giống thủy sản một số nơi còn thấp, trình độ của cán bộ thủy sản và người nuôi trồng còn hạn chế… Điều đáng quan tâm là việc nuôi thủy sản ở Cà Mau từ trước đến nay thường gặp rủi ro cao, trong khi đó Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ người nuôi.

Để giải quyết những khó khăn trên, trước mắt Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau đưa ra 4 vấn đề cơ bản cần giải quyết để phát triển diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh theo quy hoạch là: tập trung đầu tư vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng, thủy lợi đảm bảo phục vụ nghề nuôi tôm; đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản về cho ngư dân, giúp ngư dân nắm bắt được chuyên môn kỹ thuật thông qua tập huấn khuyến ngư; xây dựng mô hình trình diễn thí điểm, in ấn phát hành tài liệu giúp ngư dân vận dụng phù hợp với thực tế nuôi trồng kết hợp kinh nghiệm nuôi truyền thống; tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà máy chế biến xuất khẩu với vùng nguyên liệu sau thu hoạch, nâng cao giá trị con tôm, tìm đầu ra sản phẩm ổn định cho người nuôi.