Nông lâm kết hợp trên đất dốc: Đánh giá tỷ suất lợi nhuận từ một số mô hình thí điểm tại Tây Bắc

Tây Bắc bao gồm phạm vi sáu tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và Hòa Bình với tổng diện tích tự nhiên khoảng 50.685 km2 và dân số khoảng 4,5 triệu người. Khu vực này nằm giữa hai dải núi Hoàng Liên Sơn và Sông Mã với nhiều dãy núi cao chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, xen giữa các dải núi là các vùng đồi thấp thuộc lưu vực sông Đà; địa hình phân tầng, chia cắt mạnh.

Tây Bắc cũng là nơi sinh sống của trên 20 dân tộc ít người với nhiều nét văn hóa đa dạng. Tuy nhiên, trên diện tích rộng lớn, với điều kiện không đồng đều giữa các khu vực, đời sống vật chất của các dân tộc còn nhiều khó khăn. Cho đến nay, Tây Bắc vẫn là rốn nghèo của cả nước. Tính đến năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của 6 tỉnh Tây Bắc vẫn ở mức rất cao (Sơn La 42,8%; Hòa Bình 20,38%; Điện Biên 44,82%; Lai Châu 35,66%; Lào Cai: 27,41%); tỷ lệ trẻ sơ sinh chết trên địa bàn cao gấp 4 lần tỷ lệ trung bình của cả nước; tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp hơn mức trung bình của cả nước; tỷ lệ dân số biết chữ chưa đến 90%; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông thuộc nhóm thấp nhất cả nước; tỷ lệ học đại học cao đẳng cũng rất thấp.

Chính những đặc thù về địa hình chia cắt, diện tích rộng, dân cư thưa thớt, mức sống thấp và không ổn định, nền văn hóa giàu bản sắc nhưng trình độ học vấn thấp… khiến Tây Bắc nhận được nhiều sự quan tâm của Nhà nước cùng các tổ chức trong nước và quốc tế thông qua các chương trình, dự án về nghiên cứu và phát triển. Trong số này, có không ít các dự án về phát triển sinh kế và phục hồi rừng, đặc biệt là các dự án nông lâm kết hợp.

Hiện nay, phương thức canh tác độc canh vẫn được áp dụng phổ biến ở Tây Bắc đối với cả cây trồng hàng năm và cây trồng lâu năm. Tuy nhiên, do chủ yếu canh tác trên sườn đất dốc nên dễ xảy ra tình trạng xói mòn, gây suy thoái đất nghiêm trọng và sụt giảm sản lượng cây trồng. Trong bối cảnh này, mô hình nông lâm kết hợp có thể được coi là giải pháp khả quan đối với Tây Bắc khi vừa giúp cải thiện sinh kế nông hộ sinh sống bằng canh tác nông nghiệp trên đất dốc thông qua tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất, vừa giúp hạn chế suy thoái đất và bảo vệ môi trường. Các hệ thống nông lâm kết hợp luôn bao gồm cây thân gỗ trong thành phần và sắp xếp theo cấu trúc hợp lý nhằm giảm dòng chảy trên bề mặt đất dốc, hạn chế tình trạng xói mòn.

Tại Tây Bắc, nghiên cứu cho thấy các hệ thống nông lâm kết hợp giúp giảm từ 23 – 56% lượng đất trôi so với canh tác ngô thuần (La Nguyễn và cộng sự, 2017). Tuy nhiên, bên cạnh ưu thế về môi trường, vấn đề hiệu quả kinh tế cũng là yếu tố rất quan trọng để quyết định sự thành công của một hệ thống canh tác. Do đó, trong bài viết này, nhóm tác giả trình bày kết quả thực hiện thí điểm một số mô hình nông lâm kết hợp tại 3 tỉnh Tây Bắc Sơn La, Điện Biên và Yên Bái, trong đó nội dung tập trung vào việc so sánh tỷ suất sinh lời giữa phương pháp canh tác truyền thống (trồng thuần) và phương pháp canh tác nông lâm kết hợp có kết hợp các loại cây dài hạn (cây lâm nghiệp, cây ăn quả), trung hạn (cà phê, cỏ chăn nuôi) và cây ngắn hạn (ngô, đỗ tương) trong hệ thống.

Các hệ thống trồng thuần bao gồm: ngô trồng thuần, nhãn trồng thuần và sơn tra trồng thuần. Các hệ thống nông lâm kết hợp gồm Keo+xoài+ngô+cỏ chăn nuôi; Keo+nhãn+cà phê+đỗ tương+cỏ chăn nuôi; Tếch+mận+cà phê+đỗ tương+cỏ chăn nuôi. Trong đó, tỷ suất sinh lời hàng năm được dùng riêng để đánh giá hệ thống ngô thuần, còn các hệ thống khác có thành phần là cây lâu năm (thân gỗ) thì được đánh giá tỷ suất sinh lời cho cả giai đoạn theo dõi (5 năm).

Tỷ suất sinh lời của một hệ thống canh tác được hiểu là lợi nhuận thu được hoặc khoản lỗ so với mức đầu tư cho hệ thống đó, được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm so với số tiền chi phí cho đầu tư. Tỷ suất sinh lời được tính cho từng năm và lũy tiến từ khi thiết lập hệ thống với 4 năm theo dõi tiếp theo (2014-2018). Về chi phí đầu tư, cần tính toán cụ thể giá vật tư đầu vào, công lao động, giá bán sản phẩm theo thị trường từng năm, không tính đến giá trị lãi ngân hàng hay thuế.

Hình 1: Mô hình nông lâm kết hợp Keo+xoài+ngô+cỏ chăn nuôi

Hình 2: Mô hình nông lâm kết hợp Keo+nhãn+cà phê+đỗ tương+cỏ chăn nuôi

Hình 3: Mô hình nông lâm kết hợp Tếch+mận+cà phê+đỗ tương+cỏ chăn nuôi

Bảng 1: Chi phí đầu tư, thu nhập, lợi nhuận và tỷ suất sinh lời/ha của một số hệ thống canh tác tại Sơn La, Điện Biên và Yên Bái

Ngô là cây hàng năm được người nông dân trồng trên diện tích lớn tại Tây Bắc. Chi phí cho trồng ngô trên 1 ha khoảng 14 – 15 triệu đồng, trong đó chi phí cho công lao động chiếm khoảng 42%. Còn lại là các vật tư khác như hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Ngô cho thu hoạch hàng năm và là nguồn thu nhập quan trọng đối với các nông hộ nhỏ tại Tây Bắc. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết tại Sơn La và Điện Biên, người nông dân chỉ thường trồng được một vụ ngô trong năm. Lợi nhuận thu được từ bán sản phẩm này sau khi đã trừ chi phí vật tư và công lao động hàng năm dao động từ 4 – 8 triệu đồng/ha, phụ thuộc vào giá cả thị trường tại thời điểm thu hoạch (Bảng 1).

Số liệu theo dõi 5 năm liên tiếp (2014-2018) cho thấy lợi nhuận từ trồng ngô giảm do hai nguyên nhân chính: giá thu mua ngô giảm và ngô dần giảm năng suất dẫn đến tỷ suất sinh lời hàng năm từ trồng ngô giảm dần từ 0,56 xuống còn 0,3, tức là năm 2014 trồng ngô cho lãi 56% nhưng năm 2018 chỉ cho lãi 30% số tiền đầu tư. Tỷ suất sinh lời tính cho cả giai đoạn 5 năm theo dõi cho giá trị bằng 0,38 cho thấy lãi chỉ còn 38% nếu tính chung cho tổng đầu tư của cả 5 năm (Bảng 1).

Trồng nhãn thuần và sơn tra thuần (cây ghép) cần đầu tư ban đầu lớn, tương ứng 51 triệu đồng cho vườn nhãn và khoảng 30 triệu đồng cho vườn sơn tra. Tuy nhiên nhãn thuần sau 5 năm trồng chưa cho thu hồi vốn. Sơn tra trồng thuần cho thu hồi vốn vào năm thứ 4 với lợi nhuận khoảng 8 triệu đồng/ha (Bảng 1). Tỷ suất sinh lời tính cho giai đoạn 5 năm của sơn tra trồng thuần là 0,33, thấp hơn giá trị của trồng ngô thuần (0,38). Lợi nhuận tích lũy trong vòng 5 năm đầu của vườn sơn tra cho giá trị 20 triệu đồng, thấp hơn so với trồng ngô thuần (28 triệu đồng) (Bảng 1). Tuy nhiên, sơn tra có xu hướng tăng lợi nhuận khi cây sơn tra dần phát triển hoàn chỉnh và cho năng suất tăng dần, ngược lại với trồng ngô thuần.

Các hệ thống nông lâm kết hợp Keo+xoài+ngô+cỏ chăn nuôi, Keo+nhãn+cà phê+đỗ tương+cỏ chăn nuôi và Tếch+mận+cà phê+đỗ tương+cỏ chăn nuôi được thiết kế với mục đích khắc phục nhược điểm của các hệ thống trồng thuần cây dài ngày là cho thu nhập sớm hơn trong khi chờ đợi cây dài ngày cho thu nhập. Các hệ thống này đưa cây ngắn ngày như đỗ tương hay ngô và cỏ chăn nuôi vào nhằm giúp người nông dân có thu nhập ngay sau vài tháng thiết lập hệ thống. Cây cà phê là cây trung hạn, cho thu nhập từ 2 – 3 năm sau trồng trước khi các cây ăn trái (xoài, nhãn, mận) cho quả. Cây lâm nghiệp cần thời gian dài hơn, đơn cử Keo từ 5-7 năm, Tếch cần khoảng 18 năm.

Bảng 1 cho thấy tùy từng hệ thống nông lâm kết hợp mà cho thu hồi vốn vào năm thứ 3 (Keo+xoài+ngô+cỏ chăn nuôi và Tếch+mận+cà phê+đỗ tương+cỏ chăn nuôi) hay năm thứ 4 (Keo+nhãn+cà phê+đỗ tương+cỏ chăn nuôi) khi giá trị lợi nhuận tích lũy lớn hơn 0 (Bảng 1).

Các hệ thống nông lâm kết hợp đòi hỏi đầu tư khá lớn khi thiết lập, tương ứng 23 triệu đồng/ha cho hệ thống Keo+xoài+ngô+cỏ chăn nuôi, 55 triệu đồng/ha cho hệ thống Keo+nhãn+cà phê+đỗ tương+cỏ chăn nuôi, và 44 triệu đồng cho hệ thống Tếch+mận+cà phê+đỗ tương+cỏ chăn nuôi . Trong đó, chi phí cho công lao động chiếm lần lượt 47%, 27% và 33%. Phần còn lại gồm chi phí cho vật tư đầu vào, trong đó, giá thành cây giống cao hay thấp quyết quyết định giá trị đầu tư ban đầu. Thông thường, cây giống của loại cây trồng nào mà sản phẩm của chúng đang có giá tốt trên thị trường và chưa sản xuất đại trà thì giá thành khá cao hoặc rất cao.

So sánh với trồng ngô thuần, 3 hệ thống nông lâm kết hợp kể trên thì có hai hệ thống cho tỷ suất sinh lời theo giai đoạn 5 năm lớn hơn với trồng ngô thuần. Đó là Keo+nhãn+cà phê+đỗ tương+cỏ chăn nuôi (0,39) và Tếch+mận+cà phê+đỗ tương+cỏ chăn nuôi (0,59) so với ngô thuần (0,38). Trong khi đó, hệ thống Keo+xoài+ngô+cỏ chăn nuôi cho tỷ suất sinh lời theo giai đoạn 5 năm là 0,25.

Như vậy, có thể thấy nông lâm kết hợp không phải luôn luôn cho tỷ suất lợi nhuận theo giai đoạn cao hơn trồng thuần. Việc này chịu sự quyết định của giá trị sản phẩm thu được thông qua giá thành. Ngoài ra, giá trị tỷ suất còn phụ thuộc vào chi phí đầu tư ban đầu và giá trị này cũng phụ thuộc vào thị trường.

So với phương pháp canh tác truyền thống, nông lâm kết hợp có tính ưu việt lớn trong việc giúp giảm xói mòn đất, thúc đẩy sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế về lâu dài. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ ít được quan tâm và áp dụng nếu nhu cầu về thu nhập trước mắt được đặt lên hàng đầu. Điều này cũng có nghĩa là nếu chỉ dừng ở việc tuyên truyền về lợi ích môi trường thì mô hình nông lâm kết hợp sẽ khó có thể đạt hiệu quả. Thay vào đó, cần thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ để mô hình này có thể được áp dụng và nhân rộng.

Qua phân tích tỷ suất sinh lời của một số hệ thống nông lâm kết hợp được thực hiện tại ba tỉnh Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, nhóm tác giả cho rằng có nhiều cơ hội để mở rộng mô hình nếu tập trung vào giải quyết các vấn đề sau:

  • Muốn tăng tỷ suất lợi nhuận, cần giảm giá thành đầu tư ban đầu và điều này có thể được thực hiện bằng cách bằng cách giảm giá thành cây giống (cây thân gỗ, lâu năm) thông qua phổ biến phương pháp nhân giống rộng rãi đến người nông dân, đảm bảo cho người dân được tiếp cận gần hơn với khoa học kỹ thuật và tự sản xuất được cây giống chất lượng cao đáp ứng được tiêu chuẩn quy định. Hiện nay, chỉ một số trung tâm có chức năng cung cấp cây giống nên giá thành cây giống khá cao khiến chi phí đầu tư của bà con tăng lên. Nếu có thể hỗ trợ người nông dân bằng cách cung cấp lượng cây giống với lãi suất thấp, có thời gian quy định thu hồi vốn đầu tư cây giống (khi nông dân đã thu được sản phẩm) thì cũng sẽ tạo động lực và hỗ trợ cho bà con thực hiện mô hình nông lâm kết hợp.
  • Hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ nông lâm kết hợp, đồng thời thúc đẩy quy hoạch phát triển từng loại sản phẩm được xem là đặc sản, có ưu thế tại địa phương, giúp giảm tình trạng “được mùa mất giá” do nông dân trồng cây theo phong trào, thiếu hướng dẫn và thông tin chính xác về nhu cầu thị trường.
  • Cần có chính sách đặc thù cho mô hình nông lâm kết hợp tại các vùng miền, địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng việc sử dụng cây thân gỗ trong hệ thống canh tác này nhằm hạn chế xói mòn đất và bảo vệ môi trường. Thêm vào đó, nên quy hoạch riêng vùng phát triển nông lâm kết hợp bên cạnh các vùng phát triển nông nghiệp khác (vùng sản xuất lúa, thâm canh rau màu, công nghệ cao…) nhằm tạo động lực để mô hình có thể triển khai và nhân rộng.

Tài liệu tham khảo

1. Cục Thống kê Điện Biên (2017). Niên giám thống kê tỉnh Điện Biên 2016. NXB Thống kê, Hà Nội.

2. Cục Thống kê Sơn La (2017). Niên giám thống kê tỉnh Sơn La 2016. NXB Thống kê, Hà Nội.

3. Cục Thống kê Yên Bái (2017). Niên giám thống kê tỉnh Yên Bái 2016. NXB Thống kê, Hà Nội.

4. La Nguyễn, Đỗ Văn Hùng, Phạm Hữu Thương (2017). Nông lâm kết hợp – Mô hình phát triển bền vững cho người dân vùng núi.

5. Trung tâm Con người và Thiên nhiên (2017). Nông nghiệp Tây Bắc: Nhận diện thách thức và định hướng phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội.

6. Tổng cục Thống kê (1990). Báo cáo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1989.

7. Tổng cục Thống kê (2000). Báo cáo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999.

8. Tổng cục Thống kê (2010). Báo cáo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.

9. Tổng cục Thống kê (2015). Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2014.

10. Ủy ban Dân tộc (2010). Nghiên cứu thực trạng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi. Báo cáo kết quả dự án VIE02/001 – SEDEMA & EMPCD.

La Nguyễn – Đỗ Văn Hùng, Tổ chức nghiên cứu Nông Lâm quốc tế

Vũ Mạnh Quyết, Viện Thổ nhưỡng Nông Hóa

Nguồn:
PanNature