Tẩy chay “tẩy xanh”

Phô diễn mác “ESG” để che đậy nhiều hoạt động kinh doanh có hại cho môi trường.

Ảnh minh hoạ cho nạn ô nhiễm môi trường: Nation Wire

Trên thực tế, vẫn có doanh nghiệp triển khai một vài hoạt động bền vững để “che mắt”, trong khi duy trì những hoạt động để lại hậu quả về rác thải hay khí nhà kính. Đó được gọi là hành động “tẩy xanh” (greenwashing) – một vấn đề được dự báo là nổi cộm khi nói về ESG (môi trường, xã hội và quản trị) trong năm 2022.

Vấn đề ESG nổi cộm nhất

Xu hướng “tẩy xanh” đã lan rộng cùng với cuộc chiến chống các vấn đề về môi trường như biến đổi khí hậu, ô nhiễm rác thải nhựa trên biển, ô nhiễm không khí và động vật tuyệt chủng. Vì sao lại có doanh nghiệp chọn con đường “tẩy xanh”? Rất đơn giản, cái mác “bền vững” hay “thân thiện với môi trường” giúp tạo ra lợi nhuận. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người tiêu dùng thuộc nhóm Gen Z (sinh trong khoảng 1997-2012) có xu hướng chi tiền cho sản phẩm, dịch vụ của các thương hiệu mang cái mác như vậy. Báo cáo Global Corporate Sustainability Report của Nielsen cho thấy 66% người tiêu dùng sẽ chi tiền nhiều hơn cho sản phẩm đến từ một thương hiệu bền vững. Tỉ lệ này tăng lên 73% với nhóm Gen Y (sinh trong khoảng 1981-1996). Đó là động lực thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm hơn đến ESG.

Một nguyên nhân khác khiến doanh nghiệp đi vào con đường “tẩy xanh” chỉ đơn giản là… họ không biết đó là “tẩy xanh”. Một số công ty không nghiên cứu kỹ để nắm rõ đâu thực sự là hoạt động mang lại lợi ích tích cực cho môi trường, đâu không phải. Ví dụ, một công ty ở Úc từng chuyển sang sử dụng túi nylon sinh học tự hủy, trong khi thực tế chất liệu đó không hề tự hủy mà chỉ vỡ vụn thành những mảnh nhỏ. Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy doanh nghiệp cần có kiến thức khi muốn đi con đường mang tên bền vững, tránh vô tình rơi vào hố “tẩy xanh” và điều quan trọng là họ cần áp dụng tinh thần bền vững trên toàn hoạt động của doanh nghiệp chứ không chỉ những mảng mang tính chất phô diễn cho người tiêu dùng thấy.

Công khai và minh bạch thông tin ESG

Để ngăn chặn xu hướng “tẩy xanh”, một trong những cách tốt nhất là thúc đẩy công bố thông tin ESG. Trong những năm qua, tại nhiều quốc gia, các cơ quan quản lý đã tăng cường yêu cầu về công bố thông tin ESG. Với đà tăng trưởng mạnh trong các dòng vốn ESG, chúng tôi tin rằng các quỹ và công ty quản lý quỹ ESG sẽ được đưa vào “tầm ngắm” nhằm đảm bảo sự chính trực của những mục tiêu ESG và tránh tình trạng “tẩy xanh”.

Mức độ công bố và chất lượng dữ liệu thường được coi là rào cản trong đầu tư ESG. Theo quan điểm của chúng tôi, yêu cầu đảm bảo chất lượng báo cáo có thể góp phần tăng mức độ tin cậy, toàn diện và minh bạch của dữ liệu và thông tin. Khối EU và New Zealand đã áp dụng những quy định về đảm bảo chất lượng báo cáo bền vững độc lập. Singapore cũng yêu cầu đảm bảo chất lượng nội bộ về báo cáo bền vững.

Hiện nay, nhiều tiêu chuẩn và khung báo cáo ESG đang được áp dụng tại các thị trường. Chúng tôi kỳ vọng trong năm 2022 các tiêu chuẩn báo cáo bền vững sẽ tìm được tiếng nói chung.

Tổ chức International Financial Reporting Standards (IFRS) đặt mục tiêu ban hành được bộ tiêu chuẩn hoàn thiện vào năm 2022 sau khi thành lập International Sustainability Standards Board (ISSB) vào năm 2021. Theo đánh giá của chúng tôi, các tiêu chuẩn của ISSB có thể tạo tiền đề cho báo cáo và kiểm toán bền vững.

Thúc đẩy tiềm năng nở rộ trong mảng tài chính bền vững ở khu vực

Khu vực ASEAN đã công bố bản dự thảo về nguyên tắc phân loại tài chính bền vững cho khu vực này trong năm 2021. Tài liệu này sẽ đóng vai trò tiền đề trước khi đi vào thảo luận chi tiết với các bên liên quan để mở rộng mục tiêu như ứng phó khí hậu và các vấn đề môi trường khác trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện tiếp theo. Nguyên tắc phân loại sẽ định nghĩa các hoạt động bền vững trong khu vực trên quan điểm nói không với “tẩy xanh” khi nhà đầu tư nhảy vào các dự án bền vững trong khu vực.

Các nước thành viên nói riêng cũng tự xây dựng nguyên tắc phân loại của mình dựa trên bộ nguyên tắc của khu vực. Indonesia, Thái Lan và Singapore dự kiến sẽ hoàn thiện và phát hành bộ nguyên tắc hoặc định nghĩa tài chính bền vững trong năm 2022. Chúng tôi tin rằng việc có định nghĩa rõ ràng hơn về tài chính bền vững có thể giúp kích thích sự tăng trưởng của thị trường cũng như nâng cao chất lượng và tính chính trực của phát hành bền vững.

Các vấn đề xã hội khác cần lưu ý

Chuỗi cung ứng bán lẻ nằm trong tầm ngắm. Một khía cạnh ESG quan trọng của các doanh nghiệp bán lẻ chính là danh sách đơn vị cung ứng của họ, tầm quan trọng của tiêu chí này sẽ tăng lên trong vài năm tới, một phần do tác động của đại dịch. Những doanh nghiệp không công bố thông tin sẽ bị đánh giá về tính minh bạch của chuỗi cung ứng và thường bị nêu tên trên báo chí, hứng chịu nguy cơ tổn hại danh tiếng thương hiệu.

Sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn và sản phẩm sản xuất tại chỗ đã tăng lên nhanh chóng do tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng và tắc nghẽn cảng năm ngoái, từ đó, các vấn đề ESG xung quanh chuỗi cung ứng được phơi bày ra trước công luận cho người tiêu dùng đánh giá. Ngoài ra, khả năng nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và cung cấp sản phẩm đáng tin cậy, đặc biệt trong trường hợp đối thủ cạnh tranh không thể, là yếu tố sống còn trong tương lai gần. Dẫu vậy, chỉ có 2% nhà bán lẻ công bố dữ liệu về tỉ lệ mức thu nhập của nhân viên so với lương tối thiểu. Nhà đầu tư thường tin tưởng các thương hiệu cung cấp nhiều loại thông tin ESG hơn, vì vậy, tiêu chuẩn báo cáo cần được cải thiện trong toàn ngành này.

Sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn và sản phẩm sản xuất tại chỗ đã tăng lên nhanh chóng do tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng và tắc nghẽn cảng.

An ninh mạng và bảo vệ dữ liệu. An ninh mạng không chỉ là vấn đề về quản trị đối với doanh nghiệp mà còn là mối lo ngại đối với xã hội vì các cuộc tấn công thường nhằm vào những công ty và cá nhân yếu thế. Các cuộc tấn công như cài phần mềm gián điệp đã tăng mạnh trong những năm gần đây dẫn đến các doanh nghiệp phải mua bảo hiểm an ninh mạng cũng gia tăng để giảm bớt tác động của những cuộc tấn công tiềm tàng.

Các quy định liên quan đến cảnh báo lỗ hổng bảo mật có thể sẽ được tăng cường trong năm 2022, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp ngày càng kết nối với nhau nhiều hơn trên toàn chuỗi cung ứng. Chúng tôi dự đoán tâm điểm chú ý sẽ hướng vào việc phát triển các quy định và thông lệ khi mức độ ứng dụng công nghệ ngày một gia tăng.