Phát triển sản xuất sắn bền vững

ThienNhien.Net – Sắn (khoai mì) vừa là cây lương thực, thực phẩm vừa là nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột, cồn Ethanol…đồng thời vừa là mặt hàng xuất khẩu. Sắn là cây dễ trồng, ít kén đất, ít vốn đầu tư, thích nghi với nhiều vùng sinh thái trong cả nước và phù hợp điều kiện kinh tế nông hộ. Điều này đã được khẳng định tại Hội nghị “Phát triển sản xuất sắn bền vững” cho các tỉnh phía Nam được Bộ NN&PTNT tổ chức vào ngày 18/12 vừa qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh.


Đại diện cho Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đã chủ trì Hội nghị và có những ý kiến chỉ đạo phát triển nuôi trồng sắn theo hướng:

– Ổn định diện tích trồng sắn từ 400.000 ha đến 450.000 ha, đưa năng suất bình quân đạt 23-24tấn/ha vào năm 2015, tăng cường công tác kỹ thuật: giống, khuyến nông, bảo vệ thực vật.

– Giải quyết ô nhiễm môi trường do các nhà máy chế biến sắn gây ra, xây dựng mô hình liên kết nhà máy với nông dân.

– Giải quyết các vấn đề liên quan tới chất lượng và tiêu thụ sản phẩm.

– Xây dựng VietGAP cho sắn.

– Ban hành tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn quốc gia về nhà máy chế biến sắn và quy chuẩn quốc gia về chất lượng tinh bột sắn.

– Tiến tới thành lập hiệp hội sản xuất chế biến sắn Việt Nam.

Hiện nay, diện tích, năng suất, sản lượng sắn ở nuớc ta đã tăng liên tục từ năm 2000 (diện tích 234.900 ha, năng suất 8,66 tấn/ha, sản lượng 2.034.234 tấn) đến năm 2009 (diện tích 560.000 ha, năng suất 16,88 tấn/ha, sản lượng 9.452.800 tấn).

Số lượng nhà máy, cơ sở chế biến sắn cũng ngày một tăng, đến nay có 87 nhà máy qui mô công nghiệp và 285 cơ sở chế biến thủ công trên cả nước. So với 5 năm trước đã tăng gấp đôi về số lượng nhà máy và gấp 3 lần về công suất.

Cây sắn ở nước ta đã trở thành cây lương thực quan trọng đứng thứ 3 sau cây lúa và ngô, vai trò của cây sắn nhanh chóng đang chuyển sang là cây nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học và là nguồn xuất khẩu với khối lựợng lớn.

Tuy nhiên, việc phát triển sản xuất sắn hiện nay còn ồ ạt, không theo qui hoạch, vẫn còn một số tồn tại như: phá rừng trồng sắn, trồng sắn quảng canh cho năng suất thấp, ô nhiễm môi trường từ các cơ sở chế biến tinh bột sắn, sản phẩm chưa đa dạng, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự ổn định…

Vì vậy, điều chỉnh và khắc phục kịp thời những tồn tại và thiếu sót kể trên để phát triển và sản xuất sắn bền vững là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.