Tôm theo rừng… ra đi

ThienNhien.Net – Trở lại VQG Xuân Thủy vào một ngày đẹp trời, bước trên con đê dài ngăn cách giữa hai vùng đệm – lõi, chúng tôi cảm nhận được vị mặn mòi của gió biển và hiểu được phần nào nỗi nhọc nhằn của những chủ đầm tôm. Cả một vùng đệm dài rộng khi xưa giờ chỉ còn lơ thơ mấy cây sú thấp bé và con tôm cũng vắng bóng dần…


Ghé vào mấy lều lụp xụp dựng cạnh đê, uống chèn trà xanh cùng bác chủ đầm, chúng tôi được bác và anh cán bộ VQG Xuân Thủy kể cho nghe nhiều chuyện về cuộc đời, về kế sinh nhai và về lịch sử của những đầm tôm…

“Ngày xưa ở đây nhiều rừng lắm, xung quanh chỉ toàn sú vẹt thôi, rừng tốt um tùm không lách vào được, mãi đến những năm 1985, sau khi có chính sách phát triển kinh tế vùng biển thì đầm tôm mới dần hình thành. Ban đầu cũng không có ô, thửa như thế này đâu, nhưng về sau, để tạo điều kiện phát triển kinh tế cho bà con nên các đầm được chia nhỏ rồi đem cho dân đấu thầu lại… ” – anh Phạm Vũ Ánh, cán bộ VQG Xuân Thủy kể lại.

 … Khi thủy triều lên, ấu trùng và thủy sản nhỏ sẽ được lấy vào đầm qua cống nước này, khi nước triều rút, cống sẽ được lắp lưới nhỏ và thoát nước từ từ. (Ảnh: ThienNhien.Net)

Vẹt lấn biển, tôm lấn vẹt

Nhằm tận dụng khai thác nguồn lợi tự nhiên từ vùng bãi triều cửa sông Hồng thuộc huyện Giao Thủy, từ những năm 1960 – 1985 (trước khi Xuân Thủy được UNESCO công nhận là khu bảo tồn đất ngập nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á và thứ 50 trên thế giới, rồi trở thành vườn quốc gia), địa phương nơi đây đã thực hiện phương châm “lúa lấn cói, cói lấn vẹt, vẹt lấn biển” và trong giai đoạn này, quai đê lấn biển được khoảng 300 ha ở sát chân đê Ngự Hàn (vùng Điện Biên, xã Giao An).

Nhưng đến 1985 – 1995 thì có sự thay đổi về chiến lược phát triển kinh tế vùng biển. Phương châm “vẹt lấn biển, tôm lấn vẹt” dần thay thế cho định hướng quai đê lấn biển. Hàng ngàn ha rừng ở vùng đệm đã bị phá để làm đầm tôm. Gần 2000 ha bãi triều không còn giữ được cảnh quan tự nhiên nữa mà bị ngăn thành nhiều ô thửa để điều tiết nước theo yêu cầu nuôi trồng thuỷ sản quảng canh của chủ đầm.

Việc nuôi trồng thủy sản mặn lợ chủ yếu diễn ra tại vùng bãi cồn Ngạn và làm theo phương pháp quảng canh. Các đầm đều được khoanh đắp và lắp đặt cống để lấy nước theo thuỷ triều (khi nước thủy triều lên, ấu trùng và thủy sản nhỏ sẽ được lấy vào đầm để ươm và đánh bắt, khi nước triều rút thì cống được lắp lưới nhỏ và thoát nước từ từ).

Thời gian đầu, việc nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là tôm rảo, he…) cho năng suất khá cao, thậm chí nhiều gia đình giàu lên nhờ nuôi tôm… nhưng càng về sau, sản lượng tôm càng giảm dần. Và việc nuôi tôm cũng ngày một rủi ro.

Chỉ còn nước và đất thôi…

“Chỉ còn nước và đất thôi”, ông Đinh Văn Lục (trú tại xóm 6, xã Giao Thiện, Giao Thủy) nhắc đi nhắc lại câu nói ấy trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi. Khuôn mặt ông hiện lên biết bao trăn trở khi kể về chuyện nuôi tôm ở Xuân Thủy ngày nay…

Ông Lục năm nay đã ở cái tuổi lục tuần, tóc ngả màu hoa dâm, khuôn mặt xương xương và làn da bánh mật. Ông từng theo cha đi đánh bắt tôm bãi từ hồi còn tuổi đôi mươi và đến nay đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong việc này. Ông kể, ngày xưa tuy khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng vẫn vui vì tôm cá nhiều (với 60 ha đầm, có ngày ông thu về 5,6 tạ tôm) nhưng bây giờ thì ít lắm, có ngày tôi chỉ thu được… 1 kg tôm! Năm nay, ông Lục đầu tư khoảng 150 triệu đồng cho 13ha đầm, nhưng giờ mới chỉ thu về được vỏn vẹn 10 triệu. Sổ đỏ thì đã cắm từ 2005 để vay vốn nhưng đến nay ông vẫn chưa trả xong nợ. Dù vậy, ông bảo “vẫn phải làm chứ biết làm sao”!

Cũng không hiếm chủ đầm phải sang nhượng đầm, như trường hợp của anh Hoàng Văn Học, người gắn bó với Vườn Quốc gia đã gần 20 năm. Anh cho biết, năm 1993, anh nhận làm đầm, những năm đầu, anh thu về hàng chục triệu đồng. Nhưng sau 5 năm, gia đình anh phải chuyển nhượng cho người khác vì sản lượng tôm quá thấp, tiền lãi không được là bao. Lượng tôm ngày càng ít đi, đặc biệt là trong vòng 3 – 4 năm trở lại đây. Chỉ một số đầm là thu lãi (vì ít bị ô nhiễm hơn, điều kiện tự nhiên tốt hơn…), còn hầu hết đều cầm cự hòa vốn hoặc lỗ.

Theo lời ông Lục, anh Học và nhiều chủ đầm, nguồn nước nuôi tôm bị ô nhiễm chủ yếu là do ảnh hưởng của lượng thuốc sâu dùng trong nông nghiệp. Thuốc sâu được phun ở các cánh đồng vùng ven sẽ theo nguồn nước xả nông nghiệp chảy qua hai cống số 10 và Hoành Đông rồi đổ ra biển. Ngoài ra, nguồn nước từ sông Hồng đổ về cũng góp phần không nhỏ trong việc gây ô nhiễm vì con sông này vốn là nơi “tập hợp” một lượng nước thải khá lớn từ rất nhiều các nhà máy, xí nghiệp và khu công nghiệp… Do nuôi tôm vẫn làm theo phương pháp quảng canh, phụ thuộc rất nhiều vào sự lên xuống của thủy triều, vùng nuôi tôm lại nằm trên các con sông tiêu nên rất khó ngăn được nguồn nước “bẩn”.

Việc các đầm tôm quảng canh phát sinh quá nhiều và canh tác không hợp lý cũng khiến sản lượng tôm suy giảm đáng kể. Nhiều chủ đầm tự phát chuyển sang nuôi tôm sú. Những năm đầu dựa vào màu mỡ tự nhiên nên còn có được kết quả khá nhưng từ năm thứ 3 trở đi, các hoá chất diệt tạp, thức ăn thừa và tôm chết vì dịch bệnh… đã tạo nên nguồn gây nhiễm ngay trong đáy đầm.

Môi trường cả trong và ngoài đầm đều bị ô nhiễm nên các chủ đầm càng cố nuôi tôm sú càng thua lỗ. Việc quay trở lại nuôi quảng canh như trước cũng gặp nhiều trở ngại vì phải khắc phục vấn đề môi trường và phải có được nguồn nước điều hòa hợp lý. Điều đáng nói là khi địa phương chặt rừng làm tôm, đắp đập Vọp để lấn biến… đã tạo ra sự ngăn trở bất hợp lý của nguồn nước, đồng thời làm mất cân bằng sinh thái tự nhiên của khu vực và gây tác động không nhỏ đến kết quả nuôi trồng thuỷ sản ở vùng triều.

Bên cạnh đó, hệ thống thuỷ lợi hiện tại cũng bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với nuôi trồng thuỷ sản, nguồn cấp và tiêu nước lẫn nhau, không điều tiết được nồng độ mặn, nước sạch nên khi có dịch bệnh không thể cách ly giữa các đầm. Diện tích đầm nuôi lớn, chủ đầm thiếu kiến thức về kỹ thuật nuôi trồng, không kiểm soát được dịch bệnh, không đủ sức chữa trị và chăm sóc tôm nuôi.

 
Chỉ còn một diện tích nhỏ loài sú là bám trụ được trong vùng đầm tôm vì loài này có thể sống trong môi trường nước, còn đa phần các cây vẹt và bần chua… đều chết do chỉ sống theo quy luật lên xuống của thủy triều (Ảnh: ThienNhien.Net).

Mặt khác, việc hàng trăm ha rừng trong vùng đệm bị chết do ngập nước cũng làm giảm đáng kể nguồn thức ăn cho tôm, cá và làm mất nơi cư trú cho những loài này, khiến chúng khó có thể bám trụ lâu hơn.

Trên bãi triều, các sông rạch, nhân dân khai thác cạn kiệt, huỷ diệt thuỷ sản bằng xung  điện, mắt lưới dầy, bắt cả các loại ấu trùng cua, ngao mới nở… nên nguồn thủy sản cũng cạn dần và tôm ít đi trông thấy.

Chủ đầm tôm cố gắng bám trụ

Không ít người ở vào tình cảnh như bác Lục, dù không có lãi, thậm chí thua lỗ nhưng hầu hết họ vẫn cố gắng bám trụ với đầm, với con tôm vì họ chẳng có sự lựa chọn nào khác.

Bác Triều (47 tuổi, xã Giao Thiện) hiện có 16 ha đầm ở vùng đệm. Hàng tháng trừ các khoản chi phí, bác thu về từ 3 – 4 triệu, nhưng không phải tất cả số tiền ấy đều thu được từ đầm tôm mà còn cộng gộp nhiều khoản tiền khác nữa. Bác chia sẻ, bây giờ theo con tôm kém hơn trước nhiều nhưng bác vẫn cố gắng làm đầm vì thu nhập tính ra, vẫn có thể cao hơn chút ít so với làm nông nghiệp ở nhà. Thậm chí, không ít hộ vẫn mong muốn thầu được một đầm tôm để kiếm kế sinh nhai. Được biết, khoảng 6 năm huyện tổ chức đấu thầu một lần. Giá đấu thầu cũng tùy từng loại, đầm thu hoạch tốt giá cao, đầm nghèo thì giá thấp hơn, bình quân 5,6 triệu/1ha… Hộ nào được thì phấn khởi làm tiếp, hộ nào mất thì cố gắng bám trụ. Nhưng con tôm thì vẫn theo rừng… ra đi.

 

Nhận thấy bất cập trong việc quy hoạch hệ thống thủy lợi cho các đầm tôm và vấn đề ô nhiễm môi trường nơi đây, UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt Dự án “Thuỷ lợi Cồn Ngạn phục vụ mô hình nuôi tôm sinh thái ở khu vực vùng đệm VQG Xuân Thuỷ”. Dự án  do UBND huyện Giao Thủy làm chủ đầu tư, nhằm xây dựng hệ thống điều hòa nguồn nước thích hợp cho mô hình nuôi tôm quảng canh ở Cồn Ngạn, sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên nước tại khu vực VQG Xuân Thủy, đồng thời góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường của VQG… 


Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc mở rộng phát triển các đầm tôm sẽ  ảnh hưởng ít nhiều đến rừng ngập mặn… Do đó, cùng với việc triển khai những giải pháp phát triển đầm tôm, địa phương cũng cần chú ý tới vấn đề bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường rừng ngập mặn, để nuôi tôm nơi đây thực sự là mô hình “sinh thái”.