Liên minh Châu Âu khó đạt thỏa thuận thương mại với các nước ASEAN còn lại

Sau khi Việt Nam và Singapore ký kết FTA với EU, các nước ASEAN khác cũng muốn làm điều tương tự, nhưng mỗi nước vẫn gặp những trở ngại riêng.

Trong năm nay, sau khi Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận về hiệp định thương mại tự do (FTA) với Singapore và Việt Nam, các nền kinh tế lớn của Đông Nam Á lại có thêm động lực đạt được thỏa thuận thương mại cho riêng họ, nhưng đàm phán với EU là một điều không dễ dàng. Mỗi nước đều có bất đồng chưa thể giải quyết với EU.

Ảnh: Nikkei Asian Review.

Dù vậy, EU đang thúc đẩy các cuộc đàm phán diễn ra. Vào tháng 6, Ủy viên Thương mại EU, bà Cecilia Malmstrom, chia sẻ rằng thỏa thuận với Việt Nam là “một cột mốc quan trọng” nhằm đẩy nhanh các cuộc đàm phán với bốn nước khác.

Vào năm 2018, EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên, với các giao dịch song phương có giá trị khoảng 263 tỷ USD. EU cũng là nhà đầu tư lớn nhất vào ASEAN, vốn đã rót tổng cộng 374 tỷ USD vốn FDI vào khu vực này, tính tới cuối năm 2017.

Các nhà phân tích nói rằng bởi vì thỏa thuận giữa EU với Singapore và Việt Nam sẽ giảm thuế trên đa số mặt hàng xuất khẩu từ các nước này sang EU, bốn nước – Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan – có nguy cơ tụt lại phía sau vì không có thỏa thuận riêng.

“Vấn đề mấu chốt là [hiệp định thương mại tự do] sẽ mang lại sự đầu tư cho những quốc gia đã ký và lấy đi nguồn tài trợ tiềm năng từ những nước không ký thỏa thuận”, theo bà Bridget Welsh, phó Giáo sư Ngành Khoa học – Chính trị thuộc Đại học John Cabot tại Rome, Ý.

Vào tháng trước, Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại Thái lan cảnh báo rằng những nhà sản xuất xe hơi và lắp ráp linh kiện công nghệ nước này có thể sẽ chuyển nhà máy của họ đến Việt Nam để hưởng lợi từ việc xuất khẩu miễn thuế đến các thị trường châu Âu.

Việt Nam dự báo thỏa thuận với EU có thể giúp xuất khẩu sang khu vực này, vốn trị giá 42,5 tỷ USD vào năm 2018, tăng thêm 20% và có thể tăng GDP thêm 3% vào năm 2023. Kim ngạch thương mại EU – Thái Lan chỉ đạt 13,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2019, giảm từ mức 15,1 tỷ USD vào cùng kỳ năm 2018.


Thương mại song phương giữa các nước thành viên Asean với Liên minh Châu Âu.  Ảnh: Nikkei
“Nếu Thái Lan và EU không đạt được thỏa thuận về FTA với một mốc thời gian rõ ràng, Thái Lan có thể sẽ mất đi cơ hội nâng tầm ngành sản xuất với những công nghệ tương lai,” theo bản báo cáo vào tháng 5 của Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn.

Thái Lan bắt đầu đàm phán với EU vào năm 2013, nhưng bị hoãn lại từ năm 2014 sau cuộc đảo chính của quân đội Thái Lan.

Tuy nhiên, vào 7/2019, Federica Mogherini, người đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh, chia sẻ với tờ Nikkei Asian Review: “Rõ ràng là cuộc bầu cử vào tháng 3 và lời tuyên thệ của chính phủ liên minh các đảng là nước đi quan trọng thúc đẩy nền dân chủ tại Thái Lan.”

Bà Mogherini lưu ý rằng đó là hai điều kiện mà EU đưa ra vào năm 2017 để tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại, điều này cho thấy lập trường của EU về Thái Lan đang chuyển biến tích cực.

Auramon Supthaweethum, Giám đốc Cục Đàm phán Thương mại Thái Lan, chia sẻ với truyền thông vào tháng 7/2019 rằng chính phủ mới của Thái Lan đã bật đèn xanh để “hồi sinh các cuộc đàm phán về FTA với EU.”

Tuy nhiên, thỏa thuận thương mại của EU với Việt Nam và Singapore có thể gây ra tổn hại cho các thành viên ASEAN khác nếu EU tăng vốn đầu tư vào hai nước đó thay vì những nước còn lại.

Ông Suthiphand Chirathivat, Giám đốc Điều hành tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Đại học Chulalongkorn – Thái Lan, cho biết: “Điều quan trọng đối với các nước ASEAN khác là nỗ lực xóa bỏ những bất đồng với EU để đạt [hiệp định thương mại tự do] và cân bằng sân chơi thương mại.”

Các cuộc thảo luận thương mại với Malaysia đặc biệt khó khăn. Những cuộc đàm phán đã bị hoãn lại từ năm 2012, chỉ hai năm sau khi bắt đầu. Những cuộc đàm phán hiện khó có thể tiếp tục, đặc biệt là vì Malaysia đe dọa sẽ kiện EU lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì Brussels muốn ngừng nhập khẩu dầu cọ từ Indonesia và Malaysia vào năm 2030 do những lo lắng về môi trường. Indonesia là nơi sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, theo sau là Malaysia.

Bà Maria Castillo Fernandez, đại sứ của EU tại Malaysia cho biết: “Hiện vẫn chưa biết  khi nào các cuộc đàm phán về FTA giữa EU – Malaysia có thể tiếp tục. Malaysia và EU đang xem xét các cơ hội để tiếp tục đàm phán.”

Nhưng bà Welsh tại Đại học John Cabot dư đoán rằng một thỏa thuận thương mại với Malaysia “là không thể vì những tranh chấp liên quan đến dầu cọ và nhiên liệu sinh học.”

Vấn đề này cũng là khúc mắc chính với Indonesia, nhưng những cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại giữa nền kinh tế lớn nhất ASEAN với EU, bắt đầu từ 2016, sẽ tiếp tục vào năm 2019.

Trong khi đó, những cuộc đàm phán với Philippines là rất xa vời, chủ yếu là vì bà Malmstrom “không sẵn lòng đàm phán” với chính quyền của ông Duterte, theo Fraser Cameron, giám đốc Trung tâm EU-Châu Á, một viện nghiên cứu tại Brussels.

Nguồn: Nikkei Asian Review