Nâng cấp hệ thống đê sông

ThienNhien.Net – Theo Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020 (CTNCĐ) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 18 tỉnh, thành phố có đê sông từ Hà Tĩnh trở ra sẽ được đầu tư để củng cố, nâng cấp các tuyến đê. Chương trình có tổng kinh phí thực hiện khoảng 19.559 tỷ đồng.


Giai đoạn từ năm nay đến 2010 sẽ tập trung đầu tư một số dự án tu bổ đê cấp bách xung yếu với kinh phí 2.000 tỷ đồng. Từ năm 2011-2015 thực hiện việc hoàn chỉnh mặt đê, trồng cây chống sóng… với kinh phí khoảng 10.000 tỷ đồng. Giai đoạn cuối từ năm 2016-2020, dành khoảng 7.559 tỷ đồng cho việc hoàn chỉnh toàn bộ CTNCĐ.

Mục tiêu cốt lõi của CTNCĐ là củng cố, nâng cấp các tuyến đê nhằm đảm bảo an toàn chống lũ thiết kế và phấn đấu chống được lũ cao hơn. Bên cạnh đó, cũng cải tạo mặt đê, cơ đê thành những đường giao thông phục vụ dân sinh…

Hoàn chỉnh hệ thống đê bằng chất lượng và quy hoạch hợp lý

Hệ thống đê của 18 tỉnh sẽ được hoàn chỉnh các mặt cắt thân đê theo tiêu chuẩn thiết kế trong quy hoạch phòng, chống lũ bằng cách đắp tôn cao, áp trúc, mở rộng mặt cắt, đắp cơ đê thượng và hạ lưu; trồng cây chống sóng, trồng cỏ chống sạt lở, chống xói mòn mái đê. Việc làm này cũng đồng thời tạo cảnh quan, môi trường trong khu vực tuyến đê đi qua.

CTNCĐ cũng nêu các biện pháp cứng hóa mặt đê, làm đường hành lang chân đê tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng cứu hộ đê trong tình huống khẩn cấp và kết hợp làm đường giao thông nông thôn. Quan trọng nhất vẫn là có biện pháp chống lấn chiếm thân đê như tự ý làm nhà ở, nuôi trồng cây cối, súc vật trên thân đê.

Hiện nay, tại nhiều địa phương có hiện tượng dòng chảy sông làm sạt lở đất hai bên bờ, ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân, làm diện tích đất nông nghiệp thu hẹp lại, CTNCĐ cũng tính toán tới việc xử lý tình trạng này bằng cách xây dựng các kè mỏ hàn, kè lát mái, hệ thống công trình lái dòng. Công việc này sẽ được ưu tiên trước hết là cho những vùng bờ sông sát đê dễ bị xói lở và những kè là điểm chốt của tuyến chỉnh trị sông.

Cũng nhằm đảm bảo an toàn thân đê và đáp ứng nhu cầu lấy nước phục vụ tưới tiêu, Chương trình bao gồm nội dung xây dựng lại các cống dưới đê bị hư hỏng hoặc các cống không đảm bảo an toàn khi vận hành.

Ngoài ra, để Chương trình hoàn thiện, đạt hiệu quả cao nhất, sẽ có các khóa đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách quản lý đê.

Các tỉnh, thành phố được đầu tư nâng cấp hệ thống đê sông gồm: Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Đồng Tháp.