Quảng Bình: Hiệu quả từ nuôi trồng luân canh thủy sản

ThienNhien.Net – Nhằm đa dạng hoá hình thức nuôi thuỷ sản mặn lợ và tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, năm 2009, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Bình tiếp tục triển khai thực hiện mô hình nuôi luân canh tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá chẽm tại xã Hạ Trạch (Bố Trạch) với quy mô 1,5 ha, trong đó nuôi tôm thẻ chân trắng 1 ha (2 hộ), tôm sú 0,5 ha (1 hộ).


Sau khi tham gia lớp tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi luân canh tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá chẽm trong ao đất, các hộ nuôi đã tiến hành cải tạo ao hồ và thả giống vụ 1. Hộ ông Lưu Văn Phúc, ông Lưu Văn Xuân thả 600.000 con giống tôm thẻ chân trắng từ tháng 04/2009, mật độ 60 con/m2; hộ ông Lê Văn Hà thả 75.000 con giống tôm sú từ tháng 06/2009, mật độ 15 con/m2; tôm giống đã được kiểm dịch, không nhiễm các bệnh đốm trắng, đầu vàng và MBV.

Trong quá trình nuôi, các hộ tham gia mô hình đã đảm bảo yêu cầu về quy trình kỹ thuật nên tôm phát triển tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 9, nước ao nuôi tôm sú bị ngọt, tôm bị sốc, phải thu hoạch sớm nên không đạt hiệu quả đề ra. Riêng đối với diện tích 1 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng thu được là 5,8 tấn, trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng.

Để tận dụng thời gian, ngay khi bắt đầu thả tôm vụ 1, các hộ nuôi đã ương nuôi cá chẽm cho vụ 2 ở ao ương. Sau khi thu hoạch tôm, các hộ nuôi tiến hành phân loại cá, chọn cá lớn có kích cỡ đồng đều từ 2-3cm thả vào ao nuôi, số lượng cá giống 15.000 con, mật độ 1 con/m2. Thức ăn của cá chẽm chủ yếu là cá tươi và các sinh vật phù du, cá tạp, tôm cấu trong ao nuôi. Đến nay, sau 5 tháng nuôi, cá chẽm đã đạt trọng lượng từ 0,5- 0,8kg/con, với giá bán thị trường từ 60-70.000 đồng/kg sẽ thu lãi gần 44 triệu đồng.

Như vậy, nếu nuôi luân canh tôm thẻ chân trắng – cá chẽm, có thể thu lãi trên 140 triệu đồng/ha.

Theo cán bộ chỉ đạo mô hình, vùng hồ nuôi tôm của xã Hạ Trạch nằm ở khu đất thấp gần cửa sông, dễ bị ngập lụt nên người dân chủ yếu nuôi một vụ tôm rồi nghỉ, chờ năm sau nuôi tiếp. Việc thả nuôi cá chẽm sau khi thu hoạch tôm giúp hạn chế tình trạng bỏ hoang ao hồ.

Qua kết quả đã đạt được, có thể khẳng định đây là mô hình có hiệu quả, khai thác tốt diện tích ao hồ mặt nước, đa dạng hoá đối tượng nuôi, hạn chế dịch bệnh do nuôi luân canh tôm thẻ. Mặc khác, ngoài cá chẽm có thể đa dạng hoá đối tượng nuôi bằng cách nuôi ghép thêm cá rô phi đơn tính, hoặc nuôi chuyên cá Hồng mỹ, là những đối tượng có giá trị kinh tế cao.