ThienNhien.Net – Từ những gia đình đầu tiên, đến nay toàn HTX DVNN Hạ Vỹ, xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, có 170 hộ tham gia làm dự án rau sạch, diện tích ngày một mở rộng.
Chất lượng rau sạch Hạ Vỹ được đánh giá tương đối tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm vẫn o ép, thiếu tính ổn định, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.
GĐ HTX DVNN Hạ Vỹ, anh Nguyễn Viết Hùng cho biết, đây là vùng đất có truyền thống SX rau màu từ rất lâu của huyện Lý Nhân. Năm 2003, được sự hỗ trợ của tỉnh, hơn 5ha màu được chuyển sang SX rau an toàn (RAT).
Tới năm 2011, Văn phòng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp cùng Sở NN-PTNT tỉnh Hà Nam tiếp tục xây dựng mô hình 1,54ha rau VietGAP. Tính đến nay, diện tích SX rau sạch của Hạ Vỹ đạt 11,54ha trên tổng số 50ha đất dành cho rau màu.
Vì điều kiện SX còn gặp nhiều khó khăn, người dân Hạ Vỹ chưa thể làm nhà kính, nhà lưới để trồng các loại rau màu trái vụ. Theo anh Hùng, sản phẩm chủ lực của địa phương vẫn là cải bắp, bí xanh, súp lơ, hành lá, cải ngọt… được trồng theo kiểu mùa nào thức nấy.
Chị Nguyễn Thị Bình, xóm 5, thôn Hạ Vỹ cho biết, nhà trồng 6 sào chủ yếu là bắp cải và súp lơ. Năng suất mỗi lứa trung bình đạt 1,5 – 2 tấn/sào bắp cải, súp lơ là 8 – 9 tạ/sào. Trừ mọi chi phí, chị Bình bỏ túi được 3 – 4 triệu/sào/lứa. Theo chị Bình, từ khi tham gia SX rau theo hướng VietGAP, cũng tự nâng cao ý thức trong việc sử dụng thuốc BVTV gì, phân bón loại nào. Nguồn nước, đất đều được các cơ quan chức năng lấy mẫu, kiểm tra thường xuyên nên rất yên tâm SX.
Tuy nhiên, điều chị Bình vẫn luôn canh cánh, đó là việc sản phẩm vẫn phải mua bán tự do, giá cả phụ thuộc vào thương lái.
“Thương lái phát giá cao thì thắng, ép giá cũng phải chịu. Sản phẩm lại chưa có bao bì, nhãn mác riêng nên chưa bán được giá. Nếu bây giờ sản phẩm đều có nhãn mác, lại được doanh nghiệp nào đăng ký thu mua thì tốt quá”, chị Bình chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Nhài, cùng xóm 5, hồ hởi, từ khi làm rau sạch, bản thân nhàn nhã hơn hẳn. “4 sào rau nhà tôi chắc mỗi lứa lãi được trên dưới 3 triệu đồng/sào. Trồng rau VietGAP được cái nhàn hơn, ít phải phun thuốc sâu, có phun cũng toàn thuốc sinh học. Chúng tôi không phải lo lắng chuyện ảnh hưởng tới sức khỏe hay ô nhiễm môi trường. Cấp trên có kiểm tra hay không, chúng tôi vẫn phải làm đúng theo quy trình. Làm sai là hỏng một vùng rau ngay”.
Bên cạnh đó, chị Nhài cũng kiến nghị, HTX DVNN cần đứng ra làm đầu mối thu mua, nhãn mác để gây dựng thương hiệu rau sạch Hạ Vỹ. Chị Nhài khẳng định, nếu có nhãn mác, khi đưa ra thị trường, rau sạch Hạ Vỹ sẽ không còn bị trà trộn, người tiêu dùng dễ nhận biết, người bán cũng được lợi nhiều hơn.
Về những phản ánh của người dân, anh Hùng thừa nhận thực tế, việc quản lý buôn bán, dán tem nhãn ở vùng rau Hạ Vỹ vẫn còn bị bỏ ngỏ. Việc này từng được thực hiện, nhưng chỉ một thời gian ngắn phải dừng lại.
Anh Hùng khẳng định, ngay trong vụ đông tới, HTX sẽ đứng ra làm cầu nối tiêu thụ cho người dân. Đồng thời, những sản phẩm xuất đi bắt buộc phải dán nhãn mác. “HTX không dám đứng ra làm đầu mối tiêu thụ mà chỉ là cầu nối. Tất cả thương lái về mua hay người dân bán phải thông qua HTX để được dán nhãn mác chứng nhận sản phẩm. Chúng tôi vẫn cử người giám sát việc SX, tới đây là việc thu hoạch một cách chặt chẽ, tránh tình trạng trà trộn rau từ bên ngoài”.
Cũng theo anh Hùng, vừa qua một doanh nghiệp tại Hà Nội đã tìm về đề nghị được bao tiêu sản phẩm cho người dân. Dự kiến ban đầu, doanh nghiệp này sẽ thu mua khoảng 634 tấn rau, củ. Giá cả sẽ được ký “chết” ngay từ đầu vụ: bắp cải 6 nghìn đồng/kg, cải ngọt 8 nghìn, cà chua 9 nghìn, bí xanh 6 nghìn. Thời gian thu mua từ tháng 9/2015 – 5/2017. Phương thức thanh toán là ứng trước 50% khi gieo hạt, 50% còn lại người dân sẽ được nhận khi bàn giao sản phẩm.
Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ phải họp bàn cùng người dân để thống nhất lần cuối về giá cả, phương thức thu mua cũng như yêu cầu chất lượng đối với sản phẩm. Anh Hùng cho biết, đây sẽ là một hướng đi mới cho rau sạch Hạ Vỹ. Nếu như, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm về ký kết bao tiêu sản phẩm cho người dân, Hạ Vỹ sẽ mở rộng thêm diện tích SX để đáp ứng nhu cầu.
+ Theo ước tính, mỗi năm, vùng rau Hạ Vỹ sẽ xuất bán ra thị trường khoảng 1.200 tấn rau củ, quả các loại. Người dân cũng bắt đầu tìm hiểu phương thức SX trái vụ một số loại như đậu, đỗ.
+ Sau trận bão số 1, có tới 99% diện tích SX rau màu tại Hạ Vỹ bị thiệt hại. Người dân đang tích cực cày xới, cải tạo đất, xuống giống bắp cải, súp lơ để bán ra thị trường đúng thời vụ. |