Phá dỡ các nhà máy hạt nhân – công việc nguy hiểm

ThienNhien.Net – Trong bộ quần áo nhựa PVC trong suốt và đôi găng ty cao su Marigold màu vàng nhạt, một nhóm công nhân đang tham gia vào một khóa đào tạo, phục vụ cho một trong những công việc nguy hiểm nhất trên thế giới – tháo dỡ và phá hủy các cơ sở hạt nhân sắp bị đóng cửa.


Nhiệm vụ khó khăn

Hiện tại, nhà máy hạt nhân Sellafield (Anh) không còn sản xuất điện và vũ khí hạt nhân nữa. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn có khoảng 10 000 nhân viên và 2 000 nhà thầu làm việc ở đây – nhiều hơn con số 8 000 người từng làm việc trong các cơ sở nghiên cứu và phát triển hạt nhân trong suốt thời kỳ hoàng kim của nền công nghiệp này đầu thập kỷ 80.

Những con người này đang tiến hành phá dỡ những nhà máy sản xuất năng lượng hạt nhân và các cơ sở nghiên cứu vũ khí nguyên tử sắp đóng cửa trong tình trạng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác thải hạt nhân sau hơn nửa thế kỷ hoạt động. Khi xây dựng các nhà máy này, người ta đã không hề cân nhắc nghiêm túc đến phương án tháo dỡ chúng. Một nhà máy 10 tầng với ống khói cao 12m trên đỉnh trông giống như một khối nhà bê tông kỳ dị và ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm, khiến công việc của họ trở nên vô cùng khó khăn.

Từ trên mái nhà máy hạt nhân cũ nhìn ra xung quanh, cảnh vật trông thật ngoạn mục, phía Đông là công viên quốc gia Lake District, hấp dẫn khá nhiều khách du lịch, phía Tây là biển Ailen sóng vỗ bập bềnh. Tuy nhiên, nhìn thẳng xuống lại là một cảnh tượng hoàn toàn khác: các tòa nhà và các công trình lộn xộn, loằng ngoằng xen lẫn là những con đường và ống nước, vốn được xây dựng chỉ để phục vụ cho công việc mà không hề quan tâm đến kiến trúc.

Vấn đề ở chỗ phải tiến hành phá dỡ nhà máy này như thế nào? Nếu không vì những tòa nhà xung quanh thì có lẽ cho nổ bom là phương án tương đối dễ dàng để phá hủy tòa nhà này. Song nguy hại hơn, ô nhiễm hạt nhân đã thấm sâu vào cốt thép và bê tông của toà nhà, vì thế chắc chắn người ta sẽ phải mất hàng năm trời để làm sạch mọi tàn tích của rác hạt nhân tại Sellafield và Anh. Rất may là cho đến thời điểm này, toà nhà chướng mắt cao 120m này chưa gây ảnh hưởng nào đối với người dân xung quanh.

Sau nhiều năm tồn tại, toàn bộ công trình này đã bị axit cùng các hóa chất khác ăn mòn và đang bong ra từng mảng, đòi hỏi phải phá bỏ nhanh chóng trước khi đổ sập. Nhưng trước hết phải làm sạch những phóng xạ hạt nhân trong nhà máy. Đó chính là công việc của nhóm công nhân trong bộ quần áo PVC.

Tiến độ chậm chạp

Được trang bị máy mài góc cùng các thiết bị khác, những người công nhân thường xuyên phải ra vào các phòng và các khu vực bị ô nhiễm hạt nhân, nơi mà thậm chí ngay cả các bờ tường cũng trở thành những mối độc hại. Tại đó họ tiến hành công việc tháo dỡ những thiết bị nhiễm xạ khỏi các phòng ốc. Nhiều khi, họ phải đập vỡ và nghiền nát lớp bê tông ở các bờ tường bị nhiễm xạ để đảm bảo không có chất thải hạt nhân nào thoát ra ngoài khi tiến hành tháo dỡ tòa nhà. Công việc được tiến hành một cách chậm chạp, chậm hơn nhiều so với tiến độ thường thấy ở một công trường xây dựng thông thường.

Mỗi công nhân phải mất ít nhất 15 phút để mặc bộ quần áo bảo hộ bằng nhựa PVC, có tác dụng giúp người mặc tránh hít phải khí ô nhiễm trong môi trường làm việc độc hại. Sau đó mỗi người được lắp một bình đựng khí oxy riêng, nhưng cũng chỉ dùng được trong một thời gian ngắn. Bộ quần áo này hoàn toàn kín, nên mồ hôi toát ra để hạ nhiệt cơ thể lại bị giữ lại bên trong khiến người mặc nó nhanh nóng hơn. Vì thế mỗi người cũng chỉ có thể mặc bộ quần áo bảo hộ này từ nửa giờ cho đến một tiếng rưỡi, gây bất tiện cho quá trình làm việc.

Quy trình đặc biệt

Công việc phá dỡ này quả thực rất vất vả và cần phải tuân thủ những quy định hết sức ngặt nghèo để đảm bảo an toàn cho người lao động. Những người công nhân luôn phải làm việc theo cặp trong nhà máy với sự hỗ trợ của một nhóm bên ngoài. Tổng cộng, mỗi nhóm thường gồm 8 đến 9 người. Để đảm bảo sức khỏe, mỗi đội chỉ vào khu vực phá dỡ khoảng 3 lần mỗi tuần, do vậy thậm chí một công việc nhỏ cũng mất thời gian dài mới được hoàn thành.

Khi làm việc, mỗi thành viên của đội, những người đã được đào tạo cẩn thận để tránh lãng phí thời gian tại chỗ và đảm bảo tất cả các yêu cầu an toàn lao động, chịu trách nhiệm tiến hành một công việc riêng. Luôn có một số người làm nhiệm vụ kiểm soát đệm khí để đảm bảo đủ khí Oxy cho những người làm việc bên trong. Khi những công nhân này đã chuẩn bị ra khỏi phòng, quần áo của họ được phủi sạch bụi nhiễm xạ.

Quá trình làm việc tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ; những người thợ tháo dỡ có thể bị thương do chính các dụng cụ của mình. Trong trường hợp đó cần tuân thủ các qui trình nghiêm ngặt để đưa họ ra khỏi khu vực nhiễm phóng xạ, đồng thời thực hiện ngay các biện pháp sơ cứu đặc biệt. Chẳng hạn, nếu một người bị máy mài góc cắt phải khi đang làm việc công việc thông thường, việc cấp thiết nhất phải làm là cầm máu cho người đó. Tuy nhiên, với những con người ở đây, tốt hơn là để máu chảy, vì khi máu chảy, chất nhiễm phóng xạ sẽ không thể đi vào cơ thể qua vết thương đó.

Những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt và các phương thức kiểm tra sức khỏe cũng được tiến hành khi người công nhân ra khỏi khu vực nhiễm phóng xạ, ví dụ như kiểm tra các thiết bị làm việc, lấy mẫu nước tiểu và phân ngẫu nhiên để xét nghiệm, đảm bảo chắc chắn người công nhân không bị nhiễm độc.

Tuy phải làm việc trong điều kiện khó khăn như vậy, nhưng các thành viên trong đội vẫn gắn bó với công việc này trong nhiều năm, hầu hết đều đã có hơn 10 năm trong nghề, một vài người đến hơn 20 năm. Với họ, công việc tuy vất vả, nguy hiểm nhưng ổn định và mang lại thu nhập tốt hơn so với công việc khác trong ngành công nghiệp xây dựng. Không những thế, công việc của họ rất có ý nghĩa đối với cuộc sống, giúp làm sạch những tàn dư tiềm ẩn nhiều nguy hiểm còn lại sau hàng thập kỷ sản xuất năng lượng và vũ khí hạt nhân tại Sellafield.